Startup

Khai Phá Ý Tưởng và Sáng Tạo Cho Ngành Thủy Hải Sản

Hướng tới Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với KisStartup tổ chức Khóa tập huấn phát triển ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo, công nghệ phục vụ ngành thủy sản qua hai hình thức trực tiếp tại Trường Đại học Dầu khí thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và trực tuyến qua nền tảng Zoom. Tại buổi tập huấn Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành thủy hải sản trong quá trình phát triển kinh tế biển nói chung của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Buổi tập huấn đầu tiên đã diễn ra với sự tham gia của các sinh viên, giảng viên, nhà đầu tư, hợp tác xã và những thành phần người tham dự khác nhau tại Trường Đại học Dầu khí và các trường đại học khác trên toàn quốc. Các học viên và người tham dự đã cùng tìm hiểu về nền kinh tế đại dương xa và những tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nó. Đồng thời, với phương pháp giảng dạy lý thuyết đi đôi với thực hành do chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đồng sáng lập của KisStartup, trực tiếp hướng dẫn. Các học viên đã phát triển những ý tưởng, giải pháp sáng tạo cho ngành thủy hải sản thông qua việc xác định những khó khăn và nhu cầu trong ngành mà rất nhiều trong số này đều xuất phát từ những vấn đề thực tế tại gia đình, cộng đồng của người tham dự Chương trình cũng cho thấy những vấn đề nổi cộm của ngành nuôi trồng thủy sản như vấn đề ô nhiễm nguồn nước, vấn đề rác thải. Bên cạnh đó, chương trình cũng cùng học viên mở ra những hướng để khai thác hiệu quả kinh tế biển, đồng thời bảo vệ biển bền vững. Có thể kể ra những ý tưởng ban đầu về công nghệ sinh học biển, Vận tải hàng hải,Năng lượng tái tạo từ biển, Du lịch ven biển. 


Trong ngày thứ hai, khi tập trung vào xây dựng mô hình kinh doanh đầu tiên cho các ý tưởng, các học viên đã cùng người tham dự gặp gỡ doanh nhân Trần Thái Sơn, sáng lập SDVICO chia sẻ về khởi nghiệp trong ngành thủy sản. Với một hệ sinh thái sản phẩm phục vụ ngư dân, công ty từ một sản phẩm máy lọc nước biển ban đầu đã vươn ra với hơn 7 sản phẩm quan trọng và vượt ra khỏi phạm vi Vũng Tàu cũng như nghề cá. 
Câu chuyện của anh Sơn đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên trong xây dựng chủ động tương lai của mình, đóng góp cho sự phát triển của quê hương và cộng đồng. 

Tổng kết tại buổi tập huấn, hơn 50 học viên đã hoàn thành bước đầu trong quá trình phát triển ý tưởng và dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ phục vụ ngành thủy sản. Quá trình bao gồm xác định các khó khăn mà mọi người đang gặp đối với ngành thủy sản, tìm hiểu về nhu cầu cho những giải pháp sáng tạo, xây dựng ý tưởng trong ngành thủy sản từ các sản phẩm, dịch vụ hiện có và phát triển ý tưởng dự án khởi nghiệp. Các dự án, ý tưởng tiếp tục phát triển trong 01 tháng tới dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên tại KisStartup. 


—-----------------
Khoá tập huấn phát triển ý tưởng, dự án đổi mới sáng tạo, công nghệ phục vụ ngành thủy sản nhằm mục tiêu cung cấp các kiến thức và các công cụ và hỗ trợ phát triển ý tưởng, giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo áp dụng cho ngành thuỷ sản.

Tiếp theo trong khóa tập huấn mọi người sẽ cùng tìm hiểu về cách thức nghiên cứu thị trường cho ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ ngành thủy sản và các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp khởi nghiệp ngành thủy sản với các đối tác trong ngành thủy sản diễn ra trong ngày 14/5 và 15/5.
➤ Thời gian lớp học: Sáng 08:30 - 11:30, Chiều 13:30 - 16:30
➤ Hình thức: trực tiếp kết hợp trực tuyến
➤ Địa điểm: Trường Đại học Dầu khí - 762 Cách Mạng Tháng Tám, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
➤ Đối tượng tham dự:
Sinh viên mong muốn khởi nghiệp trong mảng công nghệ;
Các dự án, giải pháp công nghệ có tiềm năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề trong ngành thủy sản.
➤ Link đăng ký: >>TẠI ĐÂY
—------------
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
Fanpage: https://www.facebook.com/kisstartup
Email: hello@kisstartup.com

 

Tác giả: 
KisImpact & KisStartup

COVID-19: Thời gian để startup suy ngẫm và xem lại mình

Dịch corona virus là một liều thuốc thử để biết sức khỏe cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam. Nó cũng cho thấy các startup và các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng thích nghi linh hoạt như thế nào.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh.

 

Đó là những nhận định của chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, giám đốc và đồng sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp KisStartup, đồng thời là chuyên gia kết nối đầu tư của Techfest Vietnam nhiều năm trong cuộc trao đổi với Báo KH&PT.

Từ tháng 12 năm ngoái đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã trở nên phức tạp ở nhiều nước khiến hoạt động kinh tế-xã hội bị đình trệ, thậm chí có nơi đã gọi là một sự khủng hoảng mà đến nay vẫn chưa nhìn thấy đáy. Trước tương lai không chắc chắn này, theo chị những thách thức lớn nhất của startup Việt là gì?

Thời kì này không chỉ startup Việt mà các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung ở nhiều nơi trên thế giới đều đang đối mặt với khó khăn. Các startup thường là những doanh nghiệp ít tuổi, tầm dưới 5 năm và đang ở giai đoạn trứng nước để định hình kinh doanh, nên đại dịch này là một biến động quá lớn và bất ngờ mà phần lớn họ chưa có kinh nghiệm đối phó. Mặc dù bình thường họ luôn phải quản trị rủi ro xung quanh, nhưng những cú sốc hàng chục năm mới thấy một lần như thế thì ngay cả doanh nghiệp lớn cũng đau đầu, chứ đừng nói đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai, từ đại dịch này có thể thấy chắc chắn mô hình kinh doanh của nhiều startup phải thay đổi, chẳng hạn theo hướng tinh gọn hơn hay phải xác định lại cách thức giải quyết vấn đề của khách hàng. Nhưng các thách thức này mang tính đặc thù theo ngành, ví dụ nhóm startup sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm không phải hàng thiết yếu sẽ gặp khó khăn hơn vì cầu bị giảm; hay nhóm công nghệ du lịch cũng giảm doanh thu vì khách không thể đi đến. Nhưng ngược lại cũng xuất hiện những cơ hội đặc thù, ví dụ các startup thương mại điện tử hay công nghệ giáo dục trước kia phải loay hoay thay đổi hành vi người tiêu dùng thì thời đại dịch đã khiến học online trở thành xu hướng bắt buộc, chi phí để giáo dục thị trường giảm đi đáng kể và có cơ hội để bứt phá nếu làm tốt. Tuy nhiên, ngay cả ở những nhóm có cơ hội vẫn phải đối mặt với khó khăn, khi nhu cầu khách hàng tăng lên đột biến mà khả năng đáp ứng của startup không theo kịp thì đó cũng là vấn đề lớn.

Thách thức thứ ba có thể kể đến là vận hành. Thay vì có thể gặp nhau, trao đổi thì chúng ta phải làm việc từ xa. Điều này gây ra những biến đổi không nhỏ trong quá trình vận hành và quản trị công ty, nếu startup nào chưa quen sẽ phải đối mặt với hiệu suất công việc giảm khá nhiều.

Thách thức cuối cùng nhưng có thể nói là quan trọng nhất, đó là thiếu tiền để sống sót. Một doanh nghiệp trưởng thành còn phải đối mặt với khó khăn trong thời đại dịch vì dòng tiền chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nói gì đến các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính vì đại dịch chưa biết bao giờ mới thực sự chấm dứt nên khả năng sống sót được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền và năng lực để duy trì dòng tiền của doanh nghiệp.

Vậy startup đang ứng phó với những thách thức đấy như thế nào?

Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cách phản ứng với nó. Trong số các startup tôi biết thì nhìn chung mọi người khá lạc quan và suy nghĩ tích cực. Bản thân startup khi khởi nghiệp đã rất dũng cảm rồi, nên với những tình huống như thế họ cũng vẫn can đảm đối mặt và nhanh chóng thích nghi. Ví dụ, các startup điều chỉnh sản phẩm hoặc đưa ra sản phẩm hoàn toàn mới. Như Nemzone, một doanh nghiệp mảng thực phẩm, trước đây doanh thu chủ yếu từ take away phục vụ người dùng vào cuối tuần. Giờ họ tung ra sản phẩm hằng ngày và có nhiều món ăn hơn để đáp ứng khẩu vị đa dạng của khách, kết hợp với mạng lưới giao đồ vốn đã dần thân quen với người dân đô thị.

Các startup cũng đã liên kết lại để chia sẻ các công cụ làm việc từ xa, chẳng hạn như cộng đồng Vietnam Remote Workforce đã được Bộ TT&TT bảo trợ, để đưa ra một danh sách hơn 50 công ty có cả startup cung cấp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch kèm theo ưu đãi, dùng thử, miễn phí. Dự án này có tác động lan tỏa khá tốt, đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể không có nhu cầu nên không để ý đến những công cụ như vậy hoặc không có chi phí để đầu tư, nhưng giờ tình thế bắt buộc họ sẽ quan tâm. Vô hình trung, đại dịch sẽ giúp họ chuyển đổi số nhanh hơn. Những ai quen công cụ số rồi, sau này sẽ chắc sẽ khó muốn quay lại với các công cụ thủ công truyền thống.

Đây cũng là dịp mà startup có thể phát hiện ra những điều thú vị, chẳng hạn như có công ty nhận ra từ trước đến giờ có những khâu hiệu suất không mấy cao, hay khi một số nhân viên làm việc ở nhà mới biết đôi khi ít người lại tốt hơn, nên lại có cơ hội tinh gọn lại bộ máy.

Quay lại câu chuyện tại sao startup nên tận dụng được lợi thế của mình thời COVID-19 này. Với một cấu trúc tinh gọn, startup có khả năng thay đổi nhanh hơn các doanh nghiệp lớn có bộ máy cồng kềnh, phức tạp. Startup cũng thường gồm toàn người trẻ nên tư duy (mindset) của họ khá cởi mở, dễ tiếp nhận những điều mới và sẵn sàng sử dụng công cụ mới để vận hành kinh doanh.

Như vậy mặc dù startup sẽ chịu tác động, nhưng đây cũng là cơ hội để buộc họ phải dành thời gian suy nghĩ nhiều hơn về những biến động môi trường vĩ mô tác động đến mô hình kinh doanh và cách thích ứng của họ. Với những ưu thế như nhỏ gọn, linh hoạt và cởi mở, tôi tin startup có thể nhanh chóng tìm ra cách quản trị tối ưu nhất có thể. Một cách thẳng thắn mà nói, chính thời dịch mới thấy doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể đóng góp, đều có cơ hội và không nhất thiết phải cạnh tranh nếu tìm ra được hướng đi riêng. Về vấn đề thiếu vốn và tiền mặt như đã nêu ở trên, cách tốt nhất vẫn là cắt giảm chi phí và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội để khai thác thế mạnh của mình nhằm tối ưu hóa dòng tiền.

Những người giúp đỡ startup như chị hay các mạng lưới hỗ trợ, vườn ươm khởi nghiệp có gặp phải những thách thức hay cần điều chỉnh gì trong cuộc khủng hoảng này?

Cũng như các startup, đây là dịp tốt để các tổ chức hỗ trợ nhìn nhận lại mô hình của mình và tinh chỉnh. Nếu không còn các sự kiện hoành tráng, không có những cuộc gặp mặt lớn hay những đợt tuyển ồ ạt, không có các cuộc thi nữa thì bây giờ chúng ta sẽ phải làm gì? Rất nhiều hoạt động đã được chuyển sang online, chẳng hạn như tư vấn, trao đổi hay gọi vốn. Dĩ nhiên từ trước đến nay tổ chức của chúng tôi vẫn làm như thế - chúng tôi vừa hoàn thành xong vòng phỏng vấn online với nhóm startup để kết nối với các nhà đầu tư thiên thần ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong tháng 3 vừa qua. Nhưng dịp này sẽ khiến nhiều bên khác cũng chuyển đổi vận hành tương tự và có thể tạo ra nét văn hóa của riêng mình.


Vào thời điểm này, tôi nghĩ việc hợp tác giữa các mạng lưới là điều cần thiết. Điểm yếu trong hệ sinh thái của chúng ta trước đây là các thành phần tương tác chưa hiệu quả, vẫn còn rời rạc, và đây là cơ hội để mọi người làm việc với nhau tốt hơn. Chẳng hạn nhóm hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ KH&CN trên Facebook những tháng qua đã hoạt động rất tích cực và chia sẻ được một loạt thông tin hữu ích với nhiều bên liên quan cho hỗ trợ startup.


Tuy nhiên, các mạng lưới hỗ trợ sẽ phải đối mặt với vấn đề sâu xa hơn là thay đổi các dịch vụ của mình. Các mạng lưới thiết kế dịch vụ xoay quanh startup, mà sau mùa dịch này số lượng startup nhiều khả năng sẽ suy giảm và có những vấn đề khác trước. Điều này đòi hỏi các mạng lưới, tổ chức hỗ trợ cũng phải nhanh chóng chuyển đổi để thích nghi với nhu cầu mới. Mặc dù hiện nay mới chỉ hơn 3 tháng đình trệ, chưa ai mà tôi biết bị phá sản, mọi người vẫn đang cố gắng duy trì và kì vọng là 6 tháng nữa tình hình sẽ ổn. Nhưng bức tranh sau dịch sẽ khác rất nhiều. Có lẽ lúc đó doanh nghiệp sẽ không cần đến những hỗ trợ kĩ năng nữa mà sẽ đòi hỏi những giúp đỡ sâu hơn về năng lực quản trị, khai thác thế mạnh và mở rộng thị trường hoặc những vấn đề về dịch vụ phát triển kinh doanh như pháp lý, thuế, v..v. chẳng hạn.

Tuy nhiên, tôi nghĩ vẫn là chưa đủ. Ngoài các gói hỗ trợ, cần phải chọn đúng khó khăn mang tính “tử huyệt” để thiết kế những chương trình hỗ trợ hiệu quả ví dụ phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, mạng lưới bán hàng cho nhóm B2C hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp chuyển đổi số và đưa nhóm startup B2B đến gần hơn với các mạng lưới doanh nghiệp hay lý tưởng hơn nữa, có thể đây là thời điểm thuận lợi để tiến hành các sandbox giúp startup tham gia một phần vào giải quyết những vấn đề khó của khu vực công mà trước kia tuổi đời hay kinh nghiệm là hạn chế - khó giúp họ tiếp cận với việc cung cấp những cơ hội như vậy v..v. Có như vậy, doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn này mới là doanh nghiệp được sàng lọc và khỏe mạnh để chuẩn bị cho việc tái cấu trúc sau đại dịch.

Theo chị, còn những cơ hội khác cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong mùa dịch không?

Nếu quan sát thế giới, một loạt sự kiện quốc tế lớn như Seedstar summit, Y Combinator Demo Day hay những hội thảo công nghệ quốc tế của Google, Facebook, Microsoft, TechEx …đều chuyển sang online hoặc bị hoãn lại. Đằng sau đó là dấu hiệu của lượng vốn thực sự đầu tư sẽ giảm. Câu hỏi đặt ra là nếu không có những nguồn vốn này, liệu startup có đủ sức để đi tiếp? Theo tôi thấy, số lượng startup nhận vốn ngoại của Việt Nam không phải quá lớn mà chủ yếu nhắm vào các nhóm fintech. Phần đa còn lại vẫn đang ở giai đoạn bootstrapping – tức vốn tự thân.

Việc sụt giảm đầu tư đang là tình hình chung của thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ trước rằng startup nếu muốn sống sót phải có kế hoạch tài chính cho 12-18 tháng tiếp theo do xu hướng vốn mạo hiểm giảm chung. Bản thân các quỹ trong thời gian tới cũng sẽ tìm cách tái cơ cấu các hạng mục đầu tư, và chuyển sang những đối tượng sinh lời nhiều hơn. Chắc chắn sẽ có 1 số startup hưởng lợi, ví dụ chỉ từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã có thêm 3 kì lân tỷ đô trong lĩnh vực y tế hay ở Việt Nam, một số startup thuộc nhóm Medtech đã nhận đầu tư đầu năm nay. Nhưng sẽ không có công thức chung cho tất cả startup.

Ở Việt Nam, thời điểm này là thời điểm cực kì thú vị để phát triển được thị trường vốn trong nước, đặc biệt là thúc đẩy được đầu tư thiên thần trong nước để các startup Việt ít phải lệ thuộc vào dòng vốn bên ngoài - chí ít là giúp startup ở giai đoạn đầu. 

Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Tác giả: 
Khoa học Phát triển

David chưa thể bắt tay với Goliath, tại sao?

Chúng ta không ai xa lạ với câu chuyện thần thoại David đánh bại người khổng lồ Goliath. Trong thế giới của những biến động không ngừng, việc xuất hiện những chàng David có khả năng làm khuynh đảo trật tự và làm khó cho những người khổng lồ không phải là hiếm có.


Hitec Konec diễn ra vừa qua ở Hải Phòng với 70 cuộc kết nối, trong đó có 15 cuộc kết nối với động lực đầu tư, còn lại là để hiểu thêm về công nghệ.

Cứ thử nhìn lại điện thoại di động của chúng ta, bao nhiêu % trong số các ứng dụng trên đó của những startup? Chúng ta đều tự có câu trả lời cho chính mình và nhận ra rằng có lẽ doanh nghiệp lớn không đợi bị doanh nghiệp nhỏ đánh bại, tìm cách hợp tác với nhau để chung sống sẽ tốt hơn rất nhiều. Thực tế là, đời sống của chúng ta đang ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào những mô hình mới mẻ lặp lại và nhân rộng ra được mà người ta gọi là startup này. Điều đó dẫn đến một thực tế, dù một doanh nghiệp lớn đến đâu, dù là B2B hay B2C, cũng buộc phải để mắt đến những mô hình kinh doanh mới nếu muốn tồn tại, phát triển. Chính những áp lực này đặt doanh nghiệp vào những thách thức mà dù dùng những mỹ từ như chuyển đổi số hay đổi mới sáng tạo nhưng bản chất cũng phản ánh một điều rằng, nếu không thay đổi và tìm kiếm những mô hình mới, cách thức mới sáng tạo giá trị mới, ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng sẽ không tránh khỏi gặp khó. 

Cũng có một thực tế là, với cái mới, người ta có xu hướng hoặc mù quáng lao vào nó, hoặc hồ hởi đón tiếp nó hoặc học hỏi, hợp tác với thái độ thận trọng, cũng có thể dè dặt, lo sợ, chống đối, phản đối cơ hội hợp tác, cạnh tranh, và cũng có thể coi thường, không chấp nhặt. Muôn kiểu thái độ phản ánh những tư duy khác nhau đang ít nhiều ảnh hưởng đến những hợp tác giữa những ông lớn và những mô hình kinh doanh mới còn đang ở giai đoạn mới mẻ chớm phát triển. Và cũng vì vậy, có rất nhiều vấn đề phải bàn để thực sự có được cái bắt tay hiệu quả giữa Goliath và David. 

Trước tiên, tại sao phải có hợp tác này? 

Lẽ đương nhiên, hợp tác với doanh nghiệp lớn, trưởng thành, startup có nhiều ích lợi như ta vẫn nhìn thấy, đó là mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho những khách hàng sẵn có của doanh nghiệp, là tận dụng nguồn lực, mạng lưới của doanh nghiệp v..v. Tuy nhiên, việc hợp tác không phải chỉ vì lợi ích của startup hay là một sự ban ân huệ cho các startup. Động lực đến từ chính cả các doanh nghiệp trưởng thành mong muốn đổi mới. Một cuộc khảo sát do Unilever tiến hành với 204 doanh nghiệp lớn và 114 startup về triển vọng hợp tác đến 2025 cho thấy, động lực học hỏi nhiều điều mới (Startup 88%/Tập đoàn: 85%); động lực gia tăng hiệu quả hoạt động (Startup 81%/Tập đoàn: 81%); động lực giải quyết vấn đề theo cách mới có thể nhân rộng ra được: (Startup 89%/ Tập đoàn: 80%)
Trên thực tế, việc hợp tác không còn là trên lý thuyết, những mong muốn động lực của doanh nghiệp thể hiện rõ qua khảo sát dưới đây mà đứng đầu bảng là mong muốn tìm hiểu khám phá các công nghệ mới và/hoặc mô hình kinh doanh mới; hiểu biết sâu sắc về xu hướng công nghiệp non trẻ; Mua lại tiềm năng các startup cùng ngành nghề hoặc bổ trợ; chứng minh rằng tổ chức của chúng tôi là “sáng tạo”; Tiếp cận tài năng và năng lượng mới; Nâng cao trách nhiệm xã hội của công ty và Kiếm lợi nhuận tài chính từ đầu tư (mạo hiểm). 

Cũng trong cuộc khảo sát này 80% doanh nghiệp tin rằng startup sẽ có tác động tích cực lên cách tiếp cận của công ty lớn với đổi mới sáng tạo; 89% startup tin rằng họ có thể đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp, những giải pháp này có thể nhân rộng. Tuy nhiên, ở Việt Nam điều gì đang ngăn cản họ bắt tay nhau?
Sự e dè từ hai phía: Không khó để tìm ra những ví dụ về những mối hợp tác bất thành giữa startup và doanh nghiệp trưởng thành do sự è dè từ cả hai phía. Startup với đặc thù của mình vốn không phải là một doanh nghiệp lớn thu nhỏ, thiếu sự chuyên nghiệp, thiếu quy trình chuẩn mực và thiếu hiểu biết về doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn cũng còn thiếu niềm tin với các startup. Tâm lý của những cỗ máy có thâm niên chạy ổn định luôn đối lập với những thứ mới mà ít nhiều người ta cho rằng đang theo phong trào. Thiếu thông tin, thiếu niềm tin, việc tiếp cận với doanh nghiệp lớn chưa bao giờ dễ dàng với startup. Ngay cả khi có cơ hội bắt tay hợp tác với doanh nghiệp, sự khác biệt về tư duy của hai phía xoay quanh vấn đề phát triển một sản phẩm bán được cho doanh nghiệp cũng khó đưa việc hợp tác đến thành công. Startup say sưa với sản phẩm mà quên đi vấn đề và lợi ích của các khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, vòng đời bán hàng của startup buộc phải tối ưu ở mức ngắn nhất có thể để sống sót đối lập với quy trình phức tạp và tốc độ ra quyết định chậm chạp tại các doanh nghiệp tổ chức lớn. Không khó hiểu khi trên thế giới nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn tạo ra những sandbox mang tính thử nghiệm để tự mở rộng cơ hội hợp tác với startup bằng việc đơn giản hóa quy trình, ra quyết định nhanh và gia tăng tốc độ thử nghiệm. Ở Việt Nam, những sandbox như thế này còn rất mới mẻ và cũng là cụm từ xuất hiện hơn một năm trở lại đây. Tuy nhiên, để trở thành một hoạt động thực sự có giá trị cho doanh nghiệp, cần có sự đầu tư bài bản về con người và quan trọng hơn là tư duy của đội ngũ lãnh đạo dẫn dắt thử nghiệm. 
Thiếu động lực đổi mới sáng tạo từ chính doanh nghiệp: 


Hitec Konec năm 2018 kết nối các doanh nghiệp và startup trong công nghiệp phụ trợ và logistic. Mở đầu sự kiện là chia sẻ của anh Trần Mạnh Huy, công ty VBPO (Đà Nẵng) và Trần Quang Cường, công ty Nextfarm về các công nghệ mới. 

 

Mặt khác cũng cần phải nhìn vào một thực tế là, mặc dù các doanh nghiệp đang mong muốn ứng dụng và làm chủ công nghệ như báo chí vẫn thường nói, chi cho nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thấp. Điều này xuất phát từ cả những nguyên nhân nội tại là sức ì của doanh nghiệp và những yếu tố thuộc môi trường vĩ mô. Theo báo cáo của World Bank năm 2017 thì mức chi trả cho hoạt động R&D của doanh nghiệp Việt Nam đang kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong khối các nước Đông Nam Á; năm 2018 chúng ta vẫn còn đưa ra ý kiến xem có nên bỏ mức giới hạn 10% đầu tư cho đổi mới sáng tạo hay không? Nếu còn những giới hạn như vậy thì động lực đổi mới sáng tạo và đầu tư cho hoạt động này sẽ chưa thực sự có những đột phá mạnh mẽ và cửa để startup có thể tham gia một phần của câu chuyện như vườn ươm, tăng tốc, hay bán mình cho doanh nghiệp lớn chắc còn là bài toán xa ở Việt Nam.

Các hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp trưởng thành, các tập đoàn với startup gồm:
● Ươm tạo: Vườn ươm doanh nghiệp
● Tăng tốc: Ươm tạo và tăng tốc đổi lấy cổ phần
● Hackathons: Thiết kế sản phẩm dịch vụ trong thời gian ngắn
● Platforms: Xây dựng nền tảng
● Channels: Biến doanh nghiệp thành kênh bán hàng do sự phù hợp về lợi ích
● Spinoffs: Phát triển doanh nghiệp từ hoạt động nghiên cứu phát triển của tập đoàn lớn
● Bán hàng cho doanh nghiệp

Cần những nỗ lực phá băng

Một vài điều chúng tôi rút ra từ những câu chuyện từ thực tế triển khai việc kết nối giữa doanh nghiệp lớn và startup. HiTech Konec là một chương trình chúng tôi thực hiện bên lề của Techfest – một sự kiện thường niên cho startup công nghệ nhằm tạo một không gian cho startup gặp gỡ doanh nghiệp trưởng thành quan tâm đến công nghệ mới có cơ hội hợp tác, bán hàng cho nhau. Một phần không thể thiếu trong mỗi sự kiện này là việc mời một hoặc một vài chuyên gia có chuyên môn sâu về một công nghệ để chia sẻ xu hướng ứng dụng công nghệ cụ thể trong một hoặc vài ngành. Việc đào tạo này giúp doanh nghiệp trưởng thành có cái nhìn cụ thể hơn công nghệ mới đó có thể làm gì và làm thế nào để làm việc với các startup một cách hiệu quả. Sau 3 năm tổ chức, chúng tôi còn nhận ra cần phải hỗ trợ chính các doanh nghiệp lớn để họ nhìn ra bức tranh và cơ hội hợp tác với startup và chỉ ra cho các startup cách thức làm việc và bán hàng với doanh nghiệp lớn. Phần lớn các startup được hỏi đều trả lời họ rất khó tiếp cận các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp lớn thì rất ít có thời gian để tìm hiểu về các giải pháp mới của startup. Họ quen với những nhà cung cấp chuyên nghiệp và có bộ máy ổn định. Năm 2019, chúng tôi có dịp cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN tiếp tục phát triển HiTech Konec này thí điểm trước Techfest 2019 tại Hải Phòng và với Sàn giao dịch công nghệ Hải Phòng- Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. Các startup được gặp gỡ trực tiếp các đại điện của các doanh nghiệp tập đoàn lớn tại Hải Phòng như General Electrics, đại diện Vinmart, Nhựa Tiền Phong, Vân Long, Mega Market, Tân Phong An. Cuộc gặp gỡ diễn ra bằng màn pitching của các startup và hỏi đáp nhanh từ khán giả là các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng (vốn cũng là các chủ doanh nghiệp). Những câu hỏi thẳng thắn trực diện của doanh nghiệp vào giải pháp, chi phí, quy trình thực sự là một bài tập lớn cho các startup. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hiểu về nhu cầu của doanh nghiệp trước khi đi vào gặp gỡ trực tiếp 1:1 với khoảng 70 cuộc kết nối chính thức và không tại bàn trong đó 15 cuộc kết nối là với động lực đầu tư, phần còn lại là tìm hiểu công nghệ và cơ hội hợp tác. D.I.D, một startup trong mảng danh tính điện tử, dữ liệu thông minh chia sẻ: “Đây là một cơ hội quan trọng với những startup B2B như bên mình. Những gặp gỡ như thế này đã giúp D.I.D có cơ hội đi tiếp vào buổi gặp sâu hơn với đối tác mà bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm và tiếp cận”. Khi chúng tôi hoàn thành bài viết, D.I.D đã có lịch hẹn chính thức với hai đối tác và tiếp tục về Hải Phòng để thực hiện những công việc sâu hơn. Hành trình để đi đến hợp đồng và hợp tác chính thức có lẽ còn dài, nhưng những nỗ lực ban đầu có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà vận hành các tổ chức hỗ trợ thực sự quan trọng và đáng trân trọng. Nó cũng giống như vốn mồi ban đầu cho hành trình xa hơn, bền vững hơn của startup. □

Trong 10 năm trở lại đây, tổng cộng gần 207 triệu USD đã được đầu tư vào 11.305 startup qua 579 chương trình tăng tốc trong doanh nghiệp, theo Báo cáo Chương trình tăng tốc Toàn cầu 2016 của Gust. Nguồn: http://gust.com/accelerator_reports/2016/global/

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập & CEO KisStartup

Startup thiếu người - do đâu?

Nguồn nhân lực không phải là kết quả của những gì bạn làm mà là thứ sẽ vận hành doanh nghiệp của bạn -Steve Wynn.

“Startup là một tổ chức mang tính tạm thời, được thành lập để đi tìm kiếm một mô hình kinh doanh nhân rộng ra được và lặp lại được”. Trong quá trình tìm kiếm đó, đội nhóm – con người là một yếu tố mang tính quyết định đối với việc startup có thể đi tiếp được hay không. 

Không phải ngẫu nhiên nhà đầu tư hay các chương trình tăng tốc lựa chọn những startup có các thành viên đã từng làm việc với nhau trong một thời gian đủ dài để thẩm định khả năng bền chặt. Lí do đơn giản là bởi, các nhà đầu tư có thể hỗ trợ các bạn kỹ thuật để tăng trưởng đột phá cho sale và marketing nhưng không có một kỹ thuật nào tạo ra tăng trưởng đột phá về con người! Và cũng chính vì vậy, đây là một bài toán khó giữa tình trạng tạm thời và tầm nhìn dài hạn của người sáng lập.   

Gần đây tình trạng thiếu nhân sự cấp trung và một số vị trí chủ chốt trong các startup ngày càng bộc lộ rõ nét và số đông startup vẫn đang loay hoay với lời giải cho bài toán nhân lực. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi xin phép tiếp cận từ góc nhìn tư duy chiến lược của startup - cần hay không chiến lược nhân sự dài hơi trong startup và bắt đầu từ đâu? 

Thế khó trong tuyển dụng

Điều dễ hiểu là startup với nguồn lực hạn chế rất khó tìm nhân sự có trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng tốt để trả lương cao nên thông thường, lựa chọn an toàn chính là tìm các bạn trẻ với kỹ năng vừa phải, ít kinh nghiệm để có thể hài hòa quỹ lương và số nhân sự. Ưu điểm của việc tuyển dụng các nhân sự này ngoài việc hạn chế việc phình to quỹ lương, còn tạo ra một văn hóa trẻ trung phù hợp với phong cách của các startup. Tuy nhiên, nhược điểm của việc tuyển dụng các nhân sự trẻ là doanh nghiệp thường xuyên phải đối diện với rủi ro phải đào tạo liên tục, phải tuyển liên tục do tình trạng nghỉ việc đột ngột, thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp và mức độ gắn kết thấp.

Đến đây, có nhiều lập luận cho rằng, với nguồn lực ít ỏi, startup có thể thay vì tuyển nhiều nhân sự “vừa vừa” thì dồn toàn lực để tuyển và sử dụng những nhân sự “cứng cáp” hơn, có thể đảm đương nhiều công việc hơn và không phải mất thời gian đào tạo sau tuyển dụng. Cũng vì thế, quỹ lương sẽ mang tính tập trung cao hơn cho những nhân sự tốt, chế độ phúc lợi cho họ tốt và tỷ lệ gắn kết lâu dài. Tuy nhiên, thực tế thì để tuyển những người này vốn không đơn giản. Việc có kinh nghiệm trước đó như một con dao hai lưỡi. Kinh nghiệm giúp startup đi xa hơn nhưng đồng thời cũng khiến văn hóa doanh nghiệp có xáo trộn không nhỏ. Việc xuất hiện những người giàu kinh nghiệm trong tổ chức mà có tư duy cứng nhắc có thể khiến văn hóa doanh nghiệp mong manh hình thành ở các startup có nguy cơ đổ vỡ. Chính vì vậy, việc tìm người “phù hợp” mới là yếu tố then chốt. 

Với nhóm startup nhận vốn đầu tư, có tiền để trả lương thì vẫn không dễ tuyển dụng. Phần lớn các startup sau khi nhận được vốn đầu tư đều chi từ 50-70% số tiền cho việc tuyển dụng và sử dụng nhân sự. Với nhóm startup này, nhận tiền đầu tư đồng nghĩa với họ phải tăng trưởng mạnh mẽ hơn do đó quy trình phải chuyên nghiệp hơn, tốc độ xử lý nhu cầu của khách hàng phải nhanh hơn và sản phẩm phải tốt hơn. Nhu cầu tuyển dụng của họ xoay quanh những vị trí trưởng nhóm, trưởng phòng, giám đốc vận hành và thậm chí là CEO. Nhu cầu cao, có ngân sách để trả lương, nhưng việc tìm được người đáp ứng được nhu cầu cũng gian nan không kém vì trên thực tế thị trường thiếu hụt nhóm nhân sự cấp trung và cấp cao này. Với đặc thù đa phần là nhóm công nghệ, tương tác với thị trường nước ngoài nhiều nên việc tuyển dụng những vị trí này đòi hỏi những nhân sự có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và cả năng lực tiếng Anh tốt. Khi tiếng Anh vẫn là điểm bất lợi của nhân lực Việt Nam, thì việc tìm được những người đáp ứng đúng và đủ nhu cầu vẫn còn gian nan với startup. 

Những nguyên nhân nội tại…

Tuy nhiên, những khó khăn đó không chỉ xuất phát từ khó khăn của thị trường nhân lực nói chung mà phần nào cũng xuất phát từ chính tầm nhìn và chiến lược của startup. Việc thiếu tầm nhìn và chiến lược dài hơi mà chỉ chạy theo các mục tiêu ngắn hạn luôn đẩy startup vào thế thiếu người luẩn quẩn và gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của startup. 

Không xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu: Không thể phủ nhận, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp giai đoạn đầu phụ thuộc rất nhiều vào người sáng lập và lãnh đạo, những giá trị người đó theo đuổi và tầm nhìn mà người đó xác lập. Trong khi startup còn phải đặt câu chuyện sống còn tính bằng ngày bằng tháng, thì khó có thể nói về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tuy vậy, ở giai đoạn đầu, văn hóa doanh nghiệp có thể rất đơn giản ở việc hình thành các tiêu chí tuyển dụng, lộ trình xây dựng hoàn thiện đội nhóm. Thay vì lựa chọn con người theo lương, startup có thể lựa chọn con người vì tư duy (mindset) và thái độ để đưa đúng người vào tổ chức. Về dài hạn, việc lựa chọn đúng người phù hợp với văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.

 Không xây dựng đội ngũ mà chỉ thuê người: Do bận rộn và những hỗn loạn ban đầu, rất ít sáng lập viên của các startup có thời gian phát triển nguồn nhân lực về dài hạn. Họ chỉ tìm thuê người khi cần và trong một số trường hợp chấp nhận sự khuyết thiếu nhân sự tạm thời. Thiếu tính toán về nhu cầu nhân sự trung hạn sẽ không thể giúp doanh nghiệp hình thành các chương trình tuyển dụng, thực tập chuẩn bị cho nhân sự dài hơi. Việc tuyển dụng gấp gáp vào những phút cuối có thể dẫn đến những rủi ro khó lường về văn hóa doanh nghiệp. 

Thờ ơ với chiến lược quản trị nhân sự: Nói đến chiến lược quản trị nhân sự có vẻ sẽ quá to tát với những tổ chức còn đang đi tìm kiếm mô hình kinh doanh, nhưng trên thực tế, việc chưa đặt chiến lược này vào trọng tâm phát triển của doanh nghiệp sẽ làm tất cả những chiến lược khác trở nên vô nghĩa. Từ hoạt động bán hàng cho đến marketing, v..v đều cần đến con người phù hợp với công việc và phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Thiếu chiến lược nhân sự, doanh nghiệp sẽ không thể có đủ người cho những chiến lược và kế hoạch mình vạch ra. Hơn 90% số startup trong cuộc khảo sát của chúng tôi không có chiến lược quản trị nhân sự dù chỉ ở mức cơ bản.

Nếu mô tả startup là những nhóm có chung đam mê sở thích, chuyển mình từ tìm kiếm một mô hình kinh doanh sang việc tìm được và vận hành nó, những khó khăn vướng mắc và ngay cả sự thiếu chuẩn bị để trở thành một doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhân sự cũng giống như xây dựng dần khung để cả cỗ máy vận hành, nếu không có sự chuẩn bị, thì cỗ máy không thể tiến về phía trước và ngay cả việc đi tìm mô hình kinh doanh cũng không đảm bảo sẽ diễn ra suôn sẻ. Startup không phải là một cuộc chơi của những đứa trẻ, nó là một sự đầu tư nghiêm túc và phải có tầm nhìn cho việc sẽ lớn và thậm chí phải lớn rất nhanh vì vậy, nó cũng đòi hỏi các sáng lập viên phải có tầm nhìn và sẵn sàng thoát ra khỏi tư duy tạm thời để có thể tiến những bước dài hơn để tăng trưởng đột phá. 

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập & CEO KisStartup

“Cuộc hôn nhân” nhà đầu tư-startup: Kỳ vọng gì từ hai phía? (Phần 1- Nhà đầu tư)

“Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời” – Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực.


Bill Gross, Founder của IdeaLab, từng tư vấn và giúp đầu tư cho 100 công ty với 35 thương vụ thoái vốn thành công. Ảnh: IdeaLab

“Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời” – Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực. Tuy nhiên, trên thực tế, nó phức tạp hơn rất nhiều bởi lẽ “Việc của nhà đầu tư là đầu tư và làm cho đồng tiền sinh sôi nảy nở. Với người sáng lập khởi nghiệp, phần nhiều đó là câu chuyện đam mê và ước mơ”- Malini Goyal. Để cả hai gặp nhau và đi đến một cuộc “hôn nhân” tốt đẹp đòi hỏi sự hiểu biết về kỳ vọng của cả hai phía, và điểm gặp nhau giữa những kỳ vọng này. Ở một thị trường mới mẻ như Việt Nam, việc hiểu lại càng cần thiết. Khi hiểu về đối phương và kỳ vọng thì việc chấp nhận đi cùng nhau mới có thể thực sự đơm hoa kết trái và mang lại một hợp tác mang tính hai bên cùng thắng thay vì một trò chơi tổng không – bên thắng và bên thua hoặc tệ hơn, cả hai cùng thua. Trong hai bài viết về chủ đề này, với kinh nghiệm đồng hành với cả hai phía và được chia sẻ nhiều từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn hai góc nhìn từ cả nhà đầu tư và startup. Chúng tôi tin rằng, khi hiểu nhau hơn, cả hai phía sẽ đặt mình vào đúng vị trí trong cả đàm phán và phát triển doanh nghiệp theo hướng lâu dài vì lợi ích của cả hai bên. 

Nhà đầu tư là ai? 

Một nhà đầu tư thiên thần là người sử dụng nguồn vốn cá nhân để đầu tư vào dự án doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thu lại lợi tức trên đầu tư (ROI). Mỗi nước sẽ có quy định cụ thể về định nghĩa nhà đầu tư thiên thần. Ở Mỹ, theo Quy tắc 501 của Quy tắc D quy định bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), để được công nhận là nhà đầu tư (accredited investor), cá nhân phải có tổng giá trị tài sản ròng ít nhất 1.000.000 USD, không bao gồm giá trị cư trú chính của người đó hoặc có thu nhập ít nhất 200.000 USD mỗi năm trong hai năm qua (hoặc thu nhập kết hợp 300.000 USD nếu đã kết hôn) và có kỳ vọng sẽ kiếm được số tiền tương tự trong năm hiện tại1. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có văn bản pháp luật định nghĩa cụ thể thế nào là một nhà đầu tư thiên thần, tại Điều 18, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Vậy để tìm được những nhà đầu tư với điều kiện quy định như trên, ở Việt Nam việc trở thành một nhà đầu tư không phải là khó, thậm chí không có ràng buộc cụ thể nào về một con số trong tài sản.

Nhà đầu tư có thể bỏ vốn, bỏ kiến thức chuyên môn và bỏ tài sản là mối quan hệ (mạng lưới) của mình vào để đầu tư. Tuy nhiên, hình thức phổ biến là đầu tư bằng tiền. Việc nhà đầu tư thiên thần còn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua kết nối với mạng lưới, nguồn lực nhằm giảm mức độ rủi ro và tăng tỉ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp khởi nghiệp. 
Vốn từ nhà đầu tư thiên thần thường chính là một trong những “vị cứu tinh” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu mới hình thành để doanh nghiệp ít nhất có thể tồn tại, phát triển sản phẩm và tiếp cận người chấp nhận sản phẩm đầu tiên. Chính vì vậy, những doanh nghiệp tìm vốn đầu tư thiên thần thường là ở giai đoạn đầu, nhiều rủi ro, và những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao để đầu tư vào những doanh nghiệp này có lẽ được gọi là nhà đầu tư thiên thần vì vậy. 

 

Họ kỳ vọng gì?

Một nhà đầu tư đương nhiên mong tìm kiếm những doanh nghiệp/dự án “có thể đầu tư”. Vậy một dự án “có thể đầu tư” trong con mắt của nhà đầu tư là như thế nào? Theo bà Gwen Edwards, người được ủy thác và đồng chủ tịch của Angel Resource Institute chia sẻ tại tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ tổ chức hồi tháng 3 tại Hà Nội, để đánh giá một doanh nghiệp có thể đầu tư được hay không, nhà đầu tư sẽ nhìn vào 4 tiêu chí dưới đây: 
Thị trường
Đây là mối quan tâm lớn nhất của bất kì nhà đầu tư nào khi đánh giá một doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ đánh giá: (1) Quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng của thị trường đó (2) Đặc tính của thị trường (3) Chiến lược đi-ra-thị trường của doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp (4) Thời điểm ra thị trường – Doanh nghiệp có quá sớm khi đi ra thị trường? Sản phẩm của doanh nghiệp có thực sự sẵn sàng đi ra thị trường hay không? Đây chính là yếu tố đầu tiên đóng góp vào sự thành công của một doanh nghiệp. Theo Bill Gross – Founder của IdeaLab, người đã từng tư vấn và giúp đầu tư cho hơn 100 công ty, tham gia vào hơn 300 vòng cấp vốn với hơn 3.5 tỷ USD và 35 thương vụ IPO và xác nhập thành công2-  cho biết sự khác biệt lớn nhất giữa doanh nghiệp thành công và thất bại chính là thời điểm, chiếm 42%, sau đó mới tới đội ngũ, ý tưởng, mô hình kinh doanh và cuối cùng là vốn (14%)3. Một ví dụ điển hình chính là Uber, bên cạnh một mô hình kinh doanh độc đáo, thời điểm chính là yếu tố làm nên thành công của Uber. Uber ra đời đúng thời kỳ kinh tế suy thoái khi các lái xe đang cần kiếm thêm thu nhập. 

Đội ngũ: đội ngũ có nhiệt huyết hay không? Đội ngũ bao gồm những thành viên như thế nào? 
Cũng theo Bill Gross, đội ngũ đóng góp 32% vào sự thành công của một doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm không chỉ trong quá trình xem xét đầu tư mà còn trong quá trình đầu tư. Để làm nên một đội ngũ tốt cần rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính dưới đây: (1) Có chung một mục tiêu: một đội ngũ (team) khác với một nhóm (group) ở chỗ có chung một mục tiêu và cùng nỗ lực để tiến tới mục tiêu đó; (2) Nhiệt huyết, đam mê: nhiệt huyết, đam mê quan trọng nhưng quan trọng hơn là duy trì được nhiệt huyết và đam mê đó tới cùng. (3) Bù trừ lẫn nhau: lý tưởng nhất, một đội ngũ bao gồm các thành viên có thể bù trừ cho nhau. Ví dụ, nếu bạn giỏi công nghệ nhưng yếu kinh doanh thì trong đội ngũ của bạn nên có một người giỏi kinh doanh để bổ trợ cho bạn. 
Công nghệ/ Sản phẩm: sản phẩm/ công nghệ có độc đáo và sáng tạo hay không. Những câu hỏi tham khảo để doanh nghiệp có thể trả lời được câu hỏi này của nhà đầu tư: 
* Bạn đang giải quyết vấn đề gì? 
* Hiện tại trên thị trường có bao nhiêu sản phẩm/ công nghệ có thể giải quyết được vấn đề đó? 
* Điểm khác biệt giữa sản phẩm/ công nghệ của bạn với các giải pháp đó là gì? 
* Mất bao lâu để người khác có thể bắt chước công nghệ/ sản phẩm này của bạn? 
Tài chính: cách doanh nghiệp khởi nghiệp kiếm tiền và tăng trưởng
Tài chính hay nói đơn giản hơn là cách doanh nghiệp kiếm tiền là yếu tố cuối cùng nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá một doanh nghiệp. Việc đánh giá các tiêu chí tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng đến chiến lược thoái vốn của nhà đầu tư. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ cho bạn biết họ định bao lâu sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp. 

Nhà đầu tư thiên thần thường hỏi câu gì khi gặp bạn? 

Giống như một cuộc hôn nhân, giai đoạn tiền hôn nhân chính là giai đoạn tìm hiểu. Nhà đầu tư có nhiều cách tìm hiểu về bạn, tìm kiếm trên mạng (hồ sơ LinkedIn), tìm hiểu qua những người xung quanh bạn và hỏi bạn trực tiếp. Mục đích của việc hỏi này chính là để: 
Hiểu bạn là ai? - Một cuộc gặp không thế đánh giá hết tiềm năng về một sản phẩm nhưng có thể nói lên rất nhiều điều về con người làm nên sản phẩm đó. Vậy nên, trong buổi gặp đầu tiên, những câu hỏi đầu tiên nhiều nhà đầu tư sẽ hỏi không phải về sản phẩm của bạn tốt như thế nào mà về bạn là một con người như thế nào, bạn có thực sự đang hiểu bạn cần gì, mong muốn điều gì, bạn từng học ở đâu, kinh nghiệm của bạn như thế nào, những thất bại của bạn ra sao, bạn học gì từ những thất bại đó v.v. Không lấy gì làm ngạc nhiên nếu nhà đầu tư hỏi ai là mentor (cố vấn) cho bạn? Ai là người luôn ủng hộ chia sẻ khi bạn thất bại? Những câu hỏi này giúp họ hình dung được bức tranh rộng hơn về bạn, chỉ để đảm bảo rằng, bạn sẽ tiếp tục ngay cả khi thất bại. Rất đơn giản, những câu hỏi đầu tiên chỉ là về bạn mà thôi.
Hiểu vấn đề bạn đang giải quyết? – Bạn cần trả lời được tại sao doanh nghiệp của bạn quan trọng và bạn làm gì để tạo nên khác biệt cho doanh nghiệp bạn? Với những câu hỏi này thực sự bạn cần phải chứng minh cho nhà đầu tư, bạn thực sự hiểu những gì bạn đang làm bằng trải nghiệm, bằng thất bại và bằng những kiến thức mà bạn thực sự có. 
Hiểu khách hàng – Hiểu rõ khách hàng của bạn là ai, vấn đề họ gặp phải, họ cần gì, mong muốn gì, v.v. Nhà đầu tư đương nhiên sẽ không bỏ tiền vào một doanh nghiệp mà không biết mình đang bán sản phẩm cho ai. 
Hãy thành thật – Mọi thứ luôn thay đổi không ngừng còn con người luôn giới hạn về hiểu biết. Vậy nên, bạn cần thành thật với nhà đầu tư về những điều bạn không biết hay những thách thức, rủi ro bạn có thể gặp phải. Bạn cũng cần trình bày phương án để giảm thiểu hay giải quyết thách thức và rủi ro đó. Lẽ thông thường, chúng ta không biết những gì ta không biết, nhưng quan trọng là khi nói về những điều bạn không biết, những rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư hiểu rằng bạn luôn ý thức về những rủi ro và tìm cách giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng. Đó là những gì họ muốn. 
Sử dụng con số - Đo lường và chứng minh mọi thứ bạn nói bằng các con số. Nghe thật buồn cười, nhưng sự thực là, nhà đầu tư cũng là một con người, họ luôn có xu hướng bị thuyết phục bởi các con số. Những câu chuyện hay thể hiện được bạn với đam mê và khát vọng, nhưng những con số nói lên rất nhiều về cách thức bạn hiện thực hóa những đam mê đó bằng hành động và tạo dựng niềm tin cho người sắp chọn bạn để đồng hành. 
Trên thực tế, 70% các thương vụ đầu tư là thất bại, quan niệm về một giỏ đầu tư gồm 10 startup không thực sự bù đắp được rủi ro mà nhà đầu tư thiên thần gánh chịu. Điều đó cũng có nghĩa là, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư chuyên nghiệp hiếm khi đầu tư một mình. Họ thuộc về một nhóm đầu tư nào đó và có xu hướng đầu tư vào những lĩnh vực/ngành họ hiểu rõ. Vì vậy, nếu bạn nằm trong giỏ đầu tư của khoảng 20 dự án khác nhau này, bạn cần phải hiểu rõ chính bản thân mình, kỳ vọng của mình và của nhà đầu tư để chủ động viết nên câu chuyện của bạn. Trong phần 2, chúng tôi sẽ viết về kỳ vọng của startup với mong muốn không chỉ giúp các startup hiểu và tự trang bị cho chính mình những gì cần thiết để gặp nhà đầu tư mà còn giúp những nhà đầu tư mới hiểu về startup cũng như kỳ vọng của họ.□
--------
Chú thích: 
1https://www.investor.gov/additional-resources/news-alerts/alerts-bulleti...
2 https://firstround.com/review/Lessons-Learned-from-Bill-Gross-35-IPOs-an...
3 https://www.inc.com/chris-dessi/this-ted-talk-explains-the-5-reasons-why...

Tài liệu tham khảo: 
1. Hội thảo “What Investors Expect from Entrepreneur”, Trung tâm Hoa Kỳ, 3.2019 https://firstround.com/review/Lessons-Learned-from-Bill-Gross-35-IPOs-an...
2. https://www.inc.com/chris-dessi/this-ted-talk-explains-the-5-reasons-why...
3. http://economictimes.indiatimes.com/articleshow/46646853.cms?utm_source=...

Tác giả: 
Tạ Hương Thảo, Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Kết nối

I. KẾT NỐI ĐẦU TƯ

KisStartup hợp tác với Techfest2017 và đối tác chiến lược SPhoton phát triển sàn kết nối đầu tư tại địa chỉ http://www.investmatch.net. Investmatch.net- cổng kết nối đầu tư chính thức của TECHFEST đã kết nối thành công 150 startup với hơn 70 nhà đầu tư năm 2017. Với các startup, cần tìm một Nhà đầu tư và cần tiếp cận với những doanh nghiệp lớn, hoặc kêu gọi vốn nhưng không biết “trình bày” hồ sơ của mình ở đâu để các Nhà đầu tư có thể thấy và có thể cập nhật liên tục, Cổng Kết nối đầu tư Investmatch.net ra đời để giúp các startup. 

Năm 2018, cổng Kết nối đầu tư Investmatch.net tiếp tục được sử dụng trong hoạt động Kết nối Đầu tư của TECHFEST 2018 với  hơn 160 cuộc kết nối và số vốn quan tâm đầu tư là 7.86 triệu USD.

Cổng Investmatch.net bạn sẽ được:
1. Tạo hồ sơ một bộ hồ sơ đầy đủ để đi kêu gọi vốn
2. Các Nhà đầu tư cả trong và ngoài nước xem hồ sơ liên tục
3. Cập nhật hồ sơ liên tục trong suốt cả năm
4. Cơ hội Kết nối với các Nhà đầu tư trong và ngoài nước bất cứ khi nào

Khi đăng ký tạo tài khoản Nhà đầu tư trên cổng Investmatch bạn sẽ được:
1. Xem được hồ sơ online của các Startup cả trong và ngoài nước trong mọi lĩnh vực .
2. Tìm hiểu được Startup trước khi có những cuộc gặp đầu tiên
3. Thấy được tiến độ phát triển của Startup qua thời gian do hồ sơ Startup được cập nhật liên tục qua cổng Kết nối Investmatch
4. Được BTC hỗ trợ sắp xếp gặp mặt Startup bất cứ lúc nào trong suốt cả năm

Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động của mình, mỗi tháng, KisStartup sẽ tổ chức các buổi Mini Matching để các nhà đầu tư gặp gỡ các startup tiềm năng thuộc lĩnh vực mình quan tâm.

II. KẾT NỐI DOANH NGHIỆP - STARTUP 

Ý tưởng ra đời HiTech Konec là tạo một không gian kết nối thực chất và sâu sắc giữa hiểu biết chuyên môn của các chuyên gia hàng đầu + Những doanh nghiệp đã/đang mong muốn tìm kiếm cơ hội ứng dụng Công nghệ cao vào đổi mới mô hình kinh doanh và không bị tụt hậu + Các startup đang phát triển những công nghệ này.

Chính vì vậy, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ TECHFEST 2017, Hi-Tech Konec mong muốn kết nối chuỗi giá trị sâu sắc và bền vững về sau.

Trong tháng 10/2017, Hi-Tech Konec đã diễn ra trong khuôn khổ #TECHFEST 2017. Chi tiết như sau:

  • Workshop 1: Hi-Tech Konec về IoT
  • Workshop 2: Hi-Tech Konec về Trí tuệ nhân tạo
  • Workshop 3: Hi-Tech Konec về Thực tế ảo
  • Workshop 4: Hi-Tech Konec về Dữ liệu lớn

Đừng tìm nhà đầu tư - Hãy tìm khách hàng của bạn tại Hi-Tech Konec. Là người sở hữu công nghệ, startup cần hiểu nhu cầu và vấn đề của thị trường hơn là tiền của nhà đầu tư. Startup cũng cần những người chia sẻ thật với họ vấn đề của và việc của startup là đặt câu hỏi để thực sự hiểu về họ. Tại Hi-Tech Konec, cơ hội khám phá khách hàng của startup rõ ràng hơn bao giờ hết. Đó là bước đầu để khẳng định/phủ định mô hình kinh doanh của bạn và tiến những bước quan trọng hơn.

Hãy nói về vấn đề thay vì nói về thành công. Hãy đặt ra những bài toán lớn vì sự phát triển của doanh nghiệp bạn và coi khởi nghiệp là cơ hội để trở thành đối tác của bạn. Hi-Tech Konec không gian để doanh nghiệp và khởi nghiệp gặp nhau - trao đổi và kết nối về những nhu cầu cụ thể. Chúng tôi không phải nơi duy nhất trên thế giới làm việc này. SwitchPitch đã kiên nhẫn làm điều này 3 năm nay và họ tạo ra một thị trường của startup và doanh nghiệp. Nhu cầu đó là có thật. Đừng bỏ lỡ cơ hội bắt kịp các xu hướng công nghệ để ứng dụng cho doanh nghiệp của bạn bằng Hi-Tech Konec.

Thông tin chi tiết xem tại: https://www.facebook.com/HiTechKonec/

Sự kiện tháng 3.2018 tại KisStartup

Chào tháng 3 với những kế hoạch phát triển theo chiều sâu, bạn sẽ cùng KisStartup tham gia các hoạt động do chúng tôi và các đối tác tổ chức.

  1. 9.3.2018: Hội thảo quốc tế Business Opportunities and Innovative Models driven by the Internet: Cases in Vietnam tại Đại học Tôn Đức Thắng trong đó KisStartup thuyết trình và giới thiệu 07 mô hình kinh doanh liên quan đến IOT tại Việt Nam gồm các case studies: ABIVIN, AMI, CYHOME, Ecomedic, EZCloud, UMI ABC Maker, MimosaTEK với các đối tác Đài Loan dưới sự tài trợ của Chính phủ Đài Loan
  2. 22.3.3018: Lễ Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa KisStartup và Học viện Phụ nữ Việt Nam (VWA) hợp tác chiến lược toàn diện tận dụng thế mạnh của hai bên để hỗ trợ Phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp
  3. 22.3.2018: Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược toàn diện giữa đại diện ILT (Innovation Land of Tourism mà KisStartup là đồng sáng lập) ông Chử Hồng Minh và Học viện Phụ nữ Việt Nam về hỗ trợ và nâng cao khả năng tiếp nhận vốn đầu tư, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nữ có dự án liên quan đến du lịch
  4. 27.3: Dành cho Startup - GIỚI THIỆU & HƯỚNG DẪN cổng Investmatch 2018
  5. 28.3: Dành cho Nhà đầu tư - GIỚI THIỆU & HƯỚNG DẪN cổng Investmatch 2018

Hãy đặt lịch những sự kiện hữu ích cho bạn và tham gia cùng chúng tôi

Thân mến,

KisStartup Team

(*) Hình ảnh một buổi Giới thiệu sách hay của KisStartup.