Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Đại diện của KisStartup nhận Giải thưởng Báo chí về Khoa học và Công nghệ

Ngày 18.5.2023, đại diện của KisStartup , bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh đã vinh dự nhận Giải thưởng Báo chí Khoa học công nghệ do Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng cho các tác giả, tác phẩm viết về đề tài Khoa học công nghệ năm 2022. 

Bài viết "Chuyển đổi số không phải là trào lưu" đăng tải ngày 18.1.2022 trên báo Khoa học Phát triển - Ấn phẩm thuộc VnExpress đã vinh dự nhận giải Ba trong lần trao giải này. 

Song song với việc thực hiện các dịch vụ tư vấn, đào tạo, huấn luyện về đổi mới sáng tạo, đội ngũ của KisStartup không ngừng thực hiện các nghiên cứu, các bài viết về các chủ đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số để giúp gia tăng nhận thức của cộng đồng và chia sẻ những góc nhìn, quan sát của KisStartup về những chủ đề, kiến thức này. 

Chúng tôi tin rằng, giao tiếp với cộng đồng bằng những kiến thức, góc nhìn chính là cách đưa cộng đồng doanh nghiệp đến gần hơn với những đổi mới sáng tạo đang diễn ra hàng ngày từ các xu hướng lớn trên thế giới. 

Các bạn có thể đọc lại bài viết tại đường link sau: https://kisstartup.com/vi/tin-tuc/chuyen-doi-so-khong-phai-la-trao-luu

Tác giả: 
KisStartup

KisStartup tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ truyền thông tại Trà Vinh

KisStartup tập huấn cho cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ truyền thông tại Trà Vinh. 

Trong khuôn khổ chương trình của Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh), KisStartup đã tiến hành tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cán bộ quản lý, cán bộ truyền thông, giảng viên từ các sở, ban, ngành và trường đại học của tỉnh Trà Vinh. 

Chương trình nhắm đến việc đưa những khái niệm quan trọng, tư duy của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lồng ghép vào các hoạt động hiện tại của tổ chức. Anh Phan Đình Tuấn Anh và Chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh trao đổi trực tiếp với các học viên về:

* Đổi mới sáng tạo cách thức truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hiểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

* Thiết kế thử nghiệm các chương trình mentoring, ươm tạo và hỗ trợ kết nối đầu tư cho các dự án khởi nghiệp 

Sau khóa học, KisStartup và các chuyên gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hoạt động và hỗ trợ các cán bộ quản lý, giảng viên để phát triển các hoạt động trong thời gian tới cũng như kết nối các hoạt động của Trà Vinh với mạng lưới của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và quốc tế. 

Tác giả: 
KisStartup

“Cuộc hôn nhân” nhà đầu tư-startup: Kỳ vọng gì từ hai phía? (Phần 1- Nhà đầu tư)

“Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời” – Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực.


Bill Gross, Founder của IdeaLab, từng tư vấn và giúp đầu tư cho 100 công ty với 35 thương vụ thoái vốn thành công. Ảnh: IdeaLab

“Chọn nhà đầu tư giống như chọn bạn đời” – Mối quan hệ phức tạp giữa nhà đầu tư và startup đòi hỏi cả lý trí và tình cảm, không phải tự nhiên người ta ví von rằng mối quan hệ này giống như mối quan hệ hôn nhân bởi nó cần được xây dựng trên nền tảng của niềm tin và sự trung thực. Tuy nhiên, trên thực tế, nó phức tạp hơn rất nhiều bởi lẽ “Việc của nhà đầu tư là đầu tư và làm cho đồng tiền sinh sôi nảy nở. Với người sáng lập khởi nghiệp, phần nhiều đó là câu chuyện đam mê và ước mơ”- Malini Goyal. Để cả hai gặp nhau và đi đến một cuộc “hôn nhân” tốt đẹp đòi hỏi sự hiểu biết về kỳ vọng của cả hai phía, và điểm gặp nhau giữa những kỳ vọng này. Ở một thị trường mới mẻ như Việt Nam, việc hiểu lại càng cần thiết. Khi hiểu về đối phương và kỳ vọng thì việc chấp nhận đi cùng nhau mới có thể thực sự đơm hoa kết trái và mang lại một hợp tác mang tính hai bên cùng thắng thay vì một trò chơi tổng không – bên thắng và bên thua hoặc tệ hơn, cả hai cùng thua. Trong hai bài viết về chủ đề này, với kinh nghiệm đồng hành với cả hai phía và được chia sẻ nhiều từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn hai góc nhìn từ cả nhà đầu tư và startup. Chúng tôi tin rằng, khi hiểu nhau hơn, cả hai phía sẽ đặt mình vào đúng vị trí trong cả đàm phán và phát triển doanh nghiệp theo hướng lâu dài vì lợi ích của cả hai bên. 

Nhà đầu tư là ai? 

Một nhà đầu tư thiên thần là người sử dụng nguồn vốn cá nhân để đầu tư vào dự án doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thu lại lợi tức trên đầu tư (ROI). Mỗi nước sẽ có quy định cụ thể về định nghĩa nhà đầu tư thiên thần. Ở Mỹ, theo Quy tắc 501 của Quy tắc D quy định bởi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), để được công nhận là nhà đầu tư (accredited investor), cá nhân phải có tổng giá trị tài sản ròng ít nhất 1.000.000 USD, không bao gồm giá trị cư trú chính của người đó hoặc có thu nhập ít nhất 200.000 USD mỗi năm trong hai năm qua (hoặc thu nhập kết hợp 300.000 USD nếu đã kết hôn) và có kỳ vọng sẽ kiếm được số tiền tương tự trong năm hiện tại1. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có văn bản pháp luật định nghĩa cụ thể thế nào là một nhà đầu tư thiên thần, tại Điều 18, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nhà đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Vậy để tìm được những nhà đầu tư với điều kiện quy định như trên, ở Việt Nam việc trở thành một nhà đầu tư không phải là khó, thậm chí không có ràng buộc cụ thể nào về một con số trong tài sản.

Nhà đầu tư có thể bỏ vốn, bỏ kiến thức chuyên môn và bỏ tài sản là mối quan hệ (mạng lưới) của mình vào để đầu tư. Tuy nhiên, hình thức phổ biến là đầu tư bằng tiền. Việc nhà đầu tư thiên thần còn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thông qua kết nối với mạng lưới, nguồn lực nhằm giảm mức độ rủi ro và tăng tỉ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp khởi nghiệp. 
Vốn từ nhà đầu tư thiên thần thường chính là một trong những “vị cứu tinh” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu mới hình thành để doanh nghiệp ít nhất có thể tồn tại, phát triển sản phẩm và tiếp cận người chấp nhận sản phẩm đầu tiên. Chính vì vậy, những doanh nghiệp tìm vốn đầu tư thiên thần thường là ở giai đoạn đầu, nhiều rủi ro, và những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao để đầu tư vào những doanh nghiệp này có lẽ được gọi là nhà đầu tư thiên thần vì vậy. 

 

Họ kỳ vọng gì?

Một nhà đầu tư đương nhiên mong tìm kiếm những doanh nghiệp/dự án “có thể đầu tư”. Vậy một dự án “có thể đầu tư” trong con mắt của nhà đầu tư là như thế nào? Theo bà Gwen Edwards, người được ủy thác và đồng chủ tịch của Angel Resource Institute chia sẻ tại tọa đàm do Trung tâm Hoa Kỳ tổ chức hồi tháng 3 tại Hà Nội, để đánh giá một doanh nghiệp có thể đầu tư được hay không, nhà đầu tư sẽ nhìn vào 4 tiêu chí dưới đây: 
Thị trường
Đây là mối quan tâm lớn nhất của bất kì nhà đầu tư nào khi đánh giá một doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư sẽ đánh giá: (1) Quy mô thị trường và tốc độ tăng trưởng của thị trường đó (2) Đặc tính của thị trường (3) Chiến lược đi-ra-thị trường của doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp (4) Thời điểm ra thị trường – Doanh nghiệp có quá sớm khi đi ra thị trường? Sản phẩm của doanh nghiệp có thực sự sẵn sàng đi ra thị trường hay không? Đây chính là yếu tố đầu tiên đóng góp vào sự thành công của một doanh nghiệp. Theo Bill Gross – Founder của IdeaLab, người đã từng tư vấn và giúp đầu tư cho hơn 100 công ty, tham gia vào hơn 300 vòng cấp vốn với hơn 3.5 tỷ USD và 35 thương vụ IPO và xác nhập thành công2-  cho biết sự khác biệt lớn nhất giữa doanh nghiệp thành công và thất bại chính là thời điểm, chiếm 42%, sau đó mới tới đội ngũ, ý tưởng, mô hình kinh doanh và cuối cùng là vốn (14%)3. Một ví dụ điển hình chính là Uber, bên cạnh một mô hình kinh doanh độc đáo, thời điểm chính là yếu tố làm nên thành công của Uber. Uber ra đời đúng thời kỳ kinh tế suy thoái khi các lái xe đang cần kiếm thêm thu nhập. 

Đội ngũ: đội ngũ có nhiệt huyết hay không? Đội ngũ bao gồm những thành viên như thế nào? 
Cũng theo Bill Gross, đội ngũ đóng góp 32% vào sự thành công của một doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm không chỉ trong quá trình xem xét đầu tư mà còn trong quá trình đầu tư. Để làm nên một đội ngũ tốt cần rất nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính dưới đây: (1) Có chung một mục tiêu: một đội ngũ (team) khác với một nhóm (group) ở chỗ có chung một mục tiêu và cùng nỗ lực để tiến tới mục tiêu đó; (2) Nhiệt huyết, đam mê: nhiệt huyết, đam mê quan trọng nhưng quan trọng hơn là duy trì được nhiệt huyết và đam mê đó tới cùng. (3) Bù trừ lẫn nhau: lý tưởng nhất, một đội ngũ bao gồm các thành viên có thể bù trừ cho nhau. Ví dụ, nếu bạn giỏi công nghệ nhưng yếu kinh doanh thì trong đội ngũ của bạn nên có một người giỏi kinh doanh để bổ trợ cho bạn. 
Công nghệ/ Sản phẩm: sản phẩm/ công nghệ có độc đáo và sáng tạo hay không. Những câu hỏi tham khảo để doanh nghiệp có thể trả lời được câu hỏi này của nhà đầu tư: 
* Bạn đang giải quyết vấn đề gì? 
* Hiện tại trên thị trường có bao nhiêu sản phẩm/ công nghệ có thể giải quyết được vấn đề đó? 
* Điểm khác biệt giữa sản phẩm/ công nghệ của bạn với các giải pháp đó là gì? 
* Mất bao lâu để người khác có thể bắt chước công nghệ/ sản phẩm này của bạn? 
Tài chính: cách doanh nghiệp khởi nghiệp kiếm tiền và tăng trưởng
Tài chính hay nói đơn giản hơn là cách doanh nghiệp kiếm tiền là yếu tố cuối cùng nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá một doanh nghiệp. Việc đánh giá các tiêu chí tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng đến chiến lược thoái vốn của nhà đầu tư. Một nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ cho bạn biết họ định bao lâu sẽ thoái vốn khỏi doanh nghiệp. 

Nhà đầu tư thiên thần thường hỏi câu gì khi gặp bạn? 

Giống như một cuộc hôn nhân, giai đoạn tiền hôn nhân chính là giai đoạn tìm hiểu. Nhà đầu tư có nhiều cách tìm hiểu về bạn, tìm kiếm trên mạng (hồ sơ LinkedIn), tìm hiểu qua những người xung quanh bạn và hỏi bạn trực tiếp. Mục đích của việc hỏi này chính là để: 
Hiểu bạn là ai? - Một cuộc gặp không thế đánh giá hết tiềm năng về một sản phẩm nhưng có thể nói lên rất nhiều điều về con người làm nên sản phẩm đó. Vậy nên, trong buổi gặp đầu tiên, những câu hỏi đầu tiên nhiều nhà đầu tư sẽ hỏi không phải về sản phẩm của bạn tốt như thế nào mà về bạn là một con người như thế nào, bạn có thực sự đang hiểu bạn cần gì, mong muốn điều gì, bạn từng học ở đâu, kinh nghiệm của bạn như thế nào, những thất bại của bạn ra sao, bạn học gì từ những thất bại đó v.v. Không lấy gì làm ngạc nhiên nếu nhà đầu tư hỏi ai là mentor (cố vấn) cho bạn? Ai là người luôn ủng hộ chia sẻ khi bạn thất bại? Những câu hỏi này giúp họ hình dung được bức tranh rộng hơn về bạn, chỉ để đảm bảo rằng, bạn sẽ tiếp tục ngay cả khi thất bại. Rất đơn giản, những câu hỏi đầu tiên chỉ là về bạn mà thôi.
Hiểu vấn đề bạn đang giải quyết? – Bạn cần trả lời được tại sao doanh nghiệp của bạn quan trọng và bạn làm gì để tạo nên khác biệt cho doanh nghiệp bạn? Với những câu hỏi này thực sự bạn cần phải chứng minh cho nhà đầu tư, bạn thực sự hiểu những gì bạn đang làm bằng trải nghiệm, bằng thất bại và bằng những kiến thức mà bạn thực sự có. 
Hiểu khách hàng – Hiểu rõ khách hàng của bạn là ai, vấn đề họ gặp phải, họ cần gì, mong muốn gì, v.v. Nhà đầu tư đương nhiên sẽ không bỏ tiền vào một doanh nghiệp mà không biết mình đang bán sản phẩm cho ai. 
Hãy thành thật – Mọi thứ luôn thay đổi không ngừng còn con người luôn giới hạn về hiểu biết. Vậy nên, bạn cần thành thật với nhà đầu tư về những điều bạn không biết hay những thách thức, rủi ro bạn có thể gặp phải. Bạn cũng cần trình bày phương án để giảm thiểu hay giải quyết thách thức và rủi ro đó. Lẽ thông thường, chúng ta không biết những gì ta không biết, nhưng quan trọng là khi nói về những điều bạn không biết, những rủi ro tiềm ẩn, nhà đầu tư hiểu rằng bạn luôn ý thức về những rủi ro và tìm cách giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng. Đó là những gì họ muốn. 
Sử dụng con số - Đo lường và chứng minh mọi thứ bạn nói bằng các con số. Nghe thật buồn cười, nhưng sự thực là, nhà đầu tư cũng là một con người, họ luôn có xu hướng bị thuyết phục bởi các con số. Những câu chuyện hay thể hiện được bạn với đam mê và khát vọng, nhưng những con số nói lên rất nhiều về cách thức bạn hiện thực hóa những đam mê đó bằng hành động và tạo dựng niềm tin cho người sắp chọn bạn để đồng hành. 
Trên thực tế, 70% các thương vụ đầu tư là thất bại, quan niệm về một giỏ đầu tư gồm 10 startup không thực sự bù đắp được rủi ro mà nhà đầu tư thiên thần gánh chịu. Điều đó cũng có nghĩa là, để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư chuyên nghiệp hiếm khi đầu tư một mình. Họ thuộc về một nhóm đầu tư nào đó và có xu hướng đầu tư vào những lĩnh vực/ngành họ hiểu rõ. Vì vậy, nếu bạn nằm trong giỏ đầu tư của khoảng 20 dự án khác nhau này, bạn cần phải hiểu rõ chính bản thân mình, kỳ vọng của mình và của nhà đầu tư để chủ động viết nên câu chuyện của bạn. Trong phần 2, chúng tôi sẽ viết về kỳ vọng của startup với mong muốn không chỉ giúp các startup hiểu và tự trang bị cho chính mình những gì cần thiết để gặp nhà đầu tư mà còn giúp những nhà đầu tư mới hiểu về startup cũng như kỳ vọng của họ.□
--------
Chú thích: 
1https://www.investor.gov/additional-resources/news-alerts/alerts-bulleti...
2 https://firstround.com/review/Lessons-Learned-from-Bill-Gross-35-IPOs-an...
3 https://www.inc.com/chris-dessi/this-ted-talk-explains-the-5-reasons-why...

Tài liệu tham khảo: 
1. Hội thảo “What Investors Expect from Entrepreneur”, Trung tâm Hoa Kỳ, 3.2019 https://firstround.com/review/Lessons-Learned-from-Bill-Gross-35-IPOs-an...
2. https://www.inc.com/chris-dessi/this-ted-talk-explains-the-5-reasons-why...
3. http://economictimes.indiatimes.com/articleshow/46646853.cms?utm_source=...

Tác giả: 
Tạ Hương Thảo, Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Mua lại khởi nghiệp sáng tạo để tái sinh doanh nghiệp

(BĐT) – Đổi mới sáng tạo thông qua hình thức mua lại (acquiring innovation) vốn không phải là một khái niệm mới. 2.000 thương vụ mua lại của Apple với các công ty/dự án khởi nghiệp sáng tạo là một bằng chứng cho thấy, bên cạnh việc tự tạo ra những đổi mới sáng tạo ngay trong chính doanh nghiệp (DN), đổi mới sáng tạo có thể thực hiện qua việc mua lại các khởi nghiệp sáng tạo.

quilt-1

Những công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook thường mua lại khởi nghiệp sáng tạo để phát triển doanh nghiệp

Khởi nghiệp sáng tạo nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp lớn

Những tập đoàn công nghệ như Apple, Google, Facebook cùng những thương vụ mua lại các startup liên tục thời gian qua đang đặt ra câu hỏi: phải chăng việc mua lại khởi nghiệp sáng tạo chỉ xảy ra với những công ty công nghệ lớn? Vậy những DN không phải là công ty công nghệ nằm ở đâu trong câu chuyện này?

Ở Việt Nam, sự xuất hiện nhiều hơn của các tập đoàn lớn, các DN trong bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đang là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng của xu hướng đổi mới sáng tạo qua mua lại khởi nghiệp sáng tạo này, khi mà đổi mới sáng tạo của DN đứng trước rất nhiều thách thức do môi trường kinh doanh không ngừng biến động và khó đoán định. Vậy các DN thường mua gì từ các khởi nghiệp sáng tạo? Tại sao cần có mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các DN khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn lớn, các DN?

Trước hết, lý do để các khởi nghiệp sáng tạo nằm trong tầm ngắm của các DN lớn là vì với việc mua lại những DN khởi nghiệp sáng tạo, các DN/tập đoàn có thể mua lại những đổi mới sáng tạo xoay quanh những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh có sẵn. Theo đó, nếu một DN đã có sẵn mô hình kinh doanh, thì việc có thêm những đổi mới sáng tạo cho những sản phẩm, dịch vụ mới không nhất thiết phải đi từ bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Bởi, khi việc mua lại một khởi nghiệp sáng tạo sẽ nhanh hơn rất nhiều, thì việc biến khởi nghiệp sáng tạo thành bộ phận R&D của DN là một lựa chọn không tồi để giải quyết vấn đề về thời gian và chi phí.

Lý do thứ hai, việc mua lại những đổi mới sáng tạo cho phép các tập đoàn gia nhập thị trường mới gần với thị trường đã có. Điển hình như trường hợp của Facebook mua lại Instagram để mở rộng sang thị trường gần gũi với họ là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh. Thay vì phải cạnh tranh và chia sẻ người dùng, Facebook đã tận dụng được thế mạnh của việc mua sắm này, giúp việc người dùng chuyển đổi thói quen từ Facebook sang Instagram hoặc ngược lại đều có lợi cho họ.

Lý do thứ ba, việc mua lại những công ty với sản phẩm đổi mới sáng tạo đột phá hoặc mô hình kinh doanh đột phá sẽ tạo điều kiện để các tập đoàn, DN phát triển thành những công ty tỷ USD. Mặc dù là hình thức hấp dẫn nhất, nhưng đây là hình thức đòi hỏi đầu tư lớn và tầm nhìn dài hạn. Việc Google mua lại Youtube hay Ebay mua lại Paypal đều chứng minh được tính đúng đắn của các quyết định mua lại.

Bên cạnh đó, việc mua lại các khởi nghiệp sáng tạo còn giúp các DN tiếp cận các tài sản sở hữu trí tuệ; bổ sung nguồn nhân lực; mua toàn bộ công ty, doanh thu và số lượng người dùng mà khởi nghiệp sáng tạo đã tạo dựng được…

Chủ động trong tìm hiểu các công nghệ mới

Tại Việt Nam, trong khi rất nhiều khởi nghiệp vốn xuất thân là các kỹ sư, lập trình viên giỏi còn đang loay hoay với bài toán thị trường, phân khúc khách hàng và mô hình kinh doanh, thì nhiều DN lại gặp khó khăn trong việc áp dụng những công nghệ mới vào bài toán cũ của DN. Việc mua lại cũng đã diễn ra nhưng còn khá khiêm tốn về số lượng và quy mô. Nhiều DN mới đặt vấn đề mua lại khởi nghiệp để giải quyết vấn đề nhân sự về công nghệ.

Trong một chuyến đi đến Việt Nam, khi nói chuyện với các DN du lịch về đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, Jeff Hoffman, tỷ phú Mỹ, người đầu tư cho rất nhiều khởi nghiệp sáng tạo đình đám có chia sẻ: Hãy bước chân ra bên ngoài, nhìn nhận và học hỏi những xu hướng công nghệ mới, thậm chí là cả những công nghệ tưởng như không có mối liên quan nào tới ngành nghề của DN. Đổi mới sáng tạo sẽ nảy sinh từ những quan sát, hiểu biết và liên tưởng đó. Sâu xa trong lời khuyên đó chính là nếu DN thực sự muốn đổi mới sáng tạo, hãy chủ động hơn trong việc tìm hiểu các công nghệ mới – mà không ai khác chính các khởi nghiệp sáng tạo là người đang nắm giữ và đi tiên phong trong những xu hướng này.

Không phải ngẫu nhiên Techfest 2017 – sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng sắp chứng kiến sự xuất hiện chính thức của hoạt động kết nối các DN vừa với khởi nghiệp sáng tạo và thu hút mạnh mẽ hơn các DN tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó cũng là một tín hiệu tốt, đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ hơn của những DN vào câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới sáng tạo của họ. Và biết đâu, trong một thời gian ngắn tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn những vụ mua lại khởi nghiệp sáng tạo từ chính các DN, tập đoàn trong nước – một cú hích quan trọng với hệ sinh thái khởi nghiệp còn khá non trẻ của Việt Nam.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Nguồn: Báo Đấu Thầu

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup