huấn luyện khởi nghiệp

Huấn luyện Đổi mới Mô hình kinh doanh

Đổi mới mô hình kinh doanh là nhu cầu thiết yếu và liên tục của doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn sau COVID 19, để thích ứng hiệu quả với những thay đổi của thị trường và xu hướng tiêu cùng mới. Dịch vụ huấn luyện giúp đổi mới mô hình kinh doanh tại KisStartup giúp doanh nghiệp

  • Tìm kiếm những dòng doanh thu mới thông qua phát triển sản phẩm dịch vụ mới, hoặc phát triển khách hàng mới hoặc sáng tạo các giá trị mới
  • Tìm kiếm những nguồn lực mới, động lực mới cho Đổi mới sáng tạo toàn diện như ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực nhân viên và các quản lý cấp trung
  • Xây dựng văn hóa đổi mới liên tục và khai thác những tài sản hiện có của doanh nghiệp một cách hiệu quả

TẠI SAO DOANH NGHIỆP NÊN SỬ DỤNG DỊCH VỤ

  • Nếu doanh nghiệp của bạn chưa mở rộng thị trường và bán hàng hiệu quả, bạn cần những kênh bán hàng và đội ngũ nhân sự nhạy bén
  • Nếu doanh nghiệp của bạn phát triển sản phẩm dịch vụ mới nhưng không tìm được khách hàng phù hợp do cạnh tranh trên thị trường quá lớn, bạn cần tìm sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường 
  • Nếu bạn cần một tiếng nói từ bên ngoài giúp bạn tự nhận ra vấn đề của mình và hành động nhanh chóng phù hợp
  • Nếu bạn nghĩ đến lúc doanh nghiệp mình cần phản ứng hiệu quả hơn với những biến động của thị trường bằng những công cụ mới, góc nhìn mới, cách khai thác dữ liệu mới 
  • Bạn cần người đồng hành với bạn trên chặng đường mới đầy thách thức nhưng cũng rất sáng tạo này 

HÌNH THỨC TỔ CHỨC

  • Trước huấn luyện: Nghiên cứu  hiện trạng, đánh giá hiện trạng, chuẩn bị nhân sự tham gia 
  • Trong huấn luyện: Sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của tổ chức, các quản lý cấp cao, cấp trung 
  • Thực hành trực tiếp trên sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp
  • Sau huấn luyện: Hỗ trợ giám sát quá trình đổi mới và chủ động đổi mới của doanh nghiệp

Để biết thêm thông tin về sự kiện và được hỗ trợ tốt nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi tại hello@kisstartup.com 

Tác giả: 

KisStartup

Midterm Celeration Day - Đánh dấu một nửa chặng đường đã đi qua

[Hack Covy Incubation Program] Midterm Celeration Day - Đánh dấu một nửa chặng đường đã đi qua

Ngày 24.07, KisStartup cùng đội ngũ coach và 04 đội tổ chức buổi lễ tổng kết một nửa chặng đường đã qua, nhìn lại hành trình 06 tuần huấn luyện tăng cường và làm việc nỗ lực của 04 đội cũng như của các Huấn luyện viên cùng những bài học đáng nhớ.

06 tuần đầu là bước đà quan trọng để 04 đội tham dự cuộc thi xây dựng được nền móng cốt lõi và biết chính xác mình đang giải quyết vấn đề gì. Đứng ở giữa chặng đường, chúng tôi cùng nhìn lại tất cả khi ở vạch xuất phát, có chút tự hào vì tất cả cùng nhau trưởng thành hơn, có chút vui mừng vì dự án đã có đường đi rõ hơn, có thật nhiều động lực và cam kết hơn để nỗ lực trong 06 tuần cuối chạy nước rút.

Qua đây, chúng tôi xin chân thành cám ơn Coach Oksana Semenov - một vị huấn luyện viên không ngừng miệt mài đặt ra những câu hỏi mang tính kỹ thuật hay, xoáy sâu vào những rủi ro mà bằng 20 năm kinh nghiệm của cô được đúc rút và hơn cả là ngọn lửa nhiệt thành của một người vừa từng là doanh nhân, vừa từng có kinh nghiệm phát triển sản phẩm ở các tập đoàn lớn. Sự tham gia trong 06 tuần đầu của cô đã đóng góp vào những sự thay đổi của từng dự án ngày hôm nay. Tuy không tham dự vào 06 tuần tiếp theo nhưng cô vẫn giữ lời cam kết, đồng hành và hỗ trợ các đội thi bất cứ khi nào.

Trong 06 tuần tiếp theo, 04 đội sẽ tập trung vào tìm kiếm sự phù hợp giữa sản phẩm và thị trường, kiểm chứng mô hình kinh doanh và phát triển MVP phiên bản cao cấp hơn. Ở tuần cuối cùng, 04 đội với những gì đã làm được trong 11 tuần sẽ đi tiếp vào vòng gọi vốn.

---
#KisStartup #AngelHack #UNDP
#incubation
#hackcovy
#chương_trình_ươm_tạo
#covid19 #osana_semenov

Đào tạo HLV Khởi nghiệp ĐMST đầu tiên của Tỉnh Trà Vinh


ĐÀO TẠO HLV KHỞI NGHIỆP ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH TRÀ VINH

Trong khuôn khổ chương trình của Dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh), KisStartup đã tiến hành thực hiện chương trình Đào tạo Huấn luyện viên khởi  nghiệp đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Khóa huấn luyện tăng cường diễn ra 05 ngày tại Hà Nội với mục tiêu cho ra những Huấn luyện viên nòng cốt đầu tiên tại tỉnh Trà Vinh là bước đầu chuẩn bị cho chuyến đi đường dài hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tại tỉnh Trà Vinh về sau.

 

Song song với việc được đào tạo tăng cường, các Huấn luyện viên  đồng thời được quan sát và thực hành trên chính các dự án cần nhận hỗ trợ tại tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, trong chuyến đào tạo tăng cường, các Huấn luyện viên và các dự án khởi nghiệp của tỉnh Trà Vinh có cơ hội được giao lưu ăn trưa cùng các đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội. Xin chân thành cám ơn: Anh Ngô Thọ Hùng – Chuyên gia phát triển tác động xã hội, Chị Lê Ngọc Anh – Founder dự án Cánh Diều (giáo dục cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật), chị La Thị Cẩm Tú – Giảng viên Đại học FTU đã dành thời gian tới giao lưu và chia sẻ. Cũng trong khóa đào tạo Huấn luyện viên khởi nghiệp này, các huấn luyện viên cùng các dự án khởi nghiệp đã có cơ hội trải nghiệm thực tế trong chuyến đi thăm xưởng sản xuất đầu kéo xe điện cho xe lăn ETIC tại Hòa Bình. Chân thành cám ơn anh Lê Tích – Founder của ETIC đã nồng nhiệt đón tiếp.

 

Sau 05 ngày đào tạo tăng cường này, KisStartup vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ và giám sát trực tuyến quá trình thực hành và làm việc của các Huấn luyện viên ba tháng sau.

---

#Huyến_luyện_viên_khởi_nghiệp #Coach #Đào_tạo_HLV

#KisStartup #SME_Trà_Vinh #Cánh_Diều #ETIC 

 

 

       

 

 

Tác giả: 
KisStartup

Huấn luyện

I. HUẤN LUYỆN KHỞI NGHIỆP 1-1

Không xác định được vấn đề mình đang gặp phải hoặc mơ hồ về sản phẩm, dịch vụ, phân khúc khách hàng, không biết chính xác mình cần gì ở nhà đầu tư v.v... là những vẫn đề phổ biến với nhiều dự án khởi nghiệp. Làm chủ một dự án khởi nghiệp không đồng nghĩa với bạn phải giỏi tất cả mọi thứ. Bạn cần những huấn luyện viên chuyên nghiệp đồng hành để hỗ trở bạn xử lý những vấn đề cụ thể. Họ không phải là những người cho bạn câu trả lời, họ là người đứng từ bên ngoài, đặt câu hỏi và cho bạn công cụ để bạn tìm ra câu trả lời tốt nhất.

Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) là phương pháp chúng tôi áp dụng để hỗ trợ các bạn khởi nghiệp với các công cụ và tư duy trong giai đoạn tìm kiếm, khám phá khách hàng, xác định khách hàng và tìm kiếm một mô hình kinh doanh ổn định.

Nội dung huấn luyện:

  • Sử dụng các công cụ, cung cấp các nội dung mang tính kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp
  • Huấn luyện giám sát thực hiện nhằm đạt được mục tiêu (ví dụ: xây dựng mô hình kinh doanh, xác định khách hàng tiềm năng, xác định phân khúc thị trường tiềm năng, đo lường quy mô thị trường, xác định giá sản phẩm v.v...)

Thời gian:

  • Chương trình huấn luyện diễn ra tối thiểu 1 lần/1 tuần
  • Thời lượng: theo yêu cầu hoặc gói 06 tháng

Hình thức tương tác:

  • Trực tiếp tại KisStartup/ tại doanh nghiệp
  • Trực tuyến: Không bị giới hạn bởi địa lý, KisStartup là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phát triển nền tảng huấn luyện trực tuyến

II. HUẤN LUYỆN ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CHO DOANH NGHIỆP

Không chỉ khởi nghiệp mới cần huấn luyện viên. Nhiều tập đoàn, tổ chức lớn nhỏ trên thế giới đã áp dụng thành công nguyên lý của khởi nghiệp tinh gọn để phát triển các dự án mới nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro. Sử dụng huấn luyện viên chuyên nghiệp là gợi ý tốt cho các doanh nghiệp đang phát triển dự án hoặc sản phẩm kinh doanh mới.

KisStartup sử dụng các công cụ và nguyên lý của Khởi nghiệp tinh gọn để cùng nhóm dự án đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Nội dung:

  • Sử dụng các công cụ, cung cấp các nội dung mang tính kỹ thuật nhằm giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp
  • Huấn luyện giám sát thực hiện nhằm đạt được mục tiêu (ví dụ: xây dựng mô hình kinh doanh, xác định khách hàng tiềm năng, xác định phân khúc thị trường tiềm năng, đo lường quy mô thị trường, xác định giá sản phẩm v.v...)

Thời gian:

  •  Chương trình huấn luyện diễn ra tối thiểu 1 lần/1 tuần
  • Thời lượng: theo yêu cầu / gói 06 tháng

Hình thức tương tác:

  • Trực tiếp tại KisStartup/ tại doanh nghiệp
  • Trực tuyến: Không bị giới hạn bởi địa lý, KisStartup là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phát triển nền tảng huấn luyện trực tuyến

Thông tin chi tiếthttp://www.uptools.vn

Yêu cầu dịch vụ tại đây.

III. HUẤN LUYỆN ĐỒNG CẤP CHO KHỞI NGHIỆP

Peer-to-peer coaching là một hình thức  phổ biến ở Silicon Valley khi các nhóm khởi nghiệp cùng nhau tham gia buổi huấn luyện chung giúp các bạn tiết kiệm chi phí, chia sẻ và học hỏi từ các startup. Các buổi Peer-to-peer coaching sẽ diễn ra khoảng 1h mỗi tuần dưới sự hướng dẫn và điều phối của 1 HLV chuyên nghiệp.  Hình thức này sẽ tiết kiệm chi phí và mở rộng network hơn so với hình thức huấn luyện trực tiếp 1-1. 

Yêu cầu dịch vụ tại đây.

Tác giả: 
KisStartup

U23 Việt Nam và câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ

Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Nguồn: Tia Sáng

Tương lai nằm ở trong tay người trẻ. Dù cầu thủ bóng đá hay các doanh nhân trẻ, điểm tương đồng nằm chính ở chỗ, sức trẻ và sự tự tin, bản lĩnh được tôi luyện thì mới có thể thành công được.

Nhân chuyện thành công của U23 Việt Nam, tôi muốn chia sẻ với các bạn một vài liên tưởng đến khởi nghiệp sáng tạo

 

27332603_10155229751927452_5453548031214061540_n

Nguồn ảnh: KisStartup xin chân thành những tác giả đã chụp những bức ảnh đầy cảm hứng này.

1. Cần sự đào tạo bài bản và xây dựng nền móng: Thế hệ cầu thủ này hơn thế hệ cầu thủ trước ở nhiều điểm nhưng đúng như ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “chẳng có thành công nào từ trên trời rơi xuống”. Nếu chấp nhận xây dựng mọi thứ từ móng thì trong 10 năm qua mới ra được những lứa cầu thủ như vậy: giỏi chuyên môn kỹ thuật, khỏe về thể lực, tâm lý thi đấu vững vàng ổn định: thắng không kiêu, bại không nản; đạo đức tốt; tiếng Anh tốt để tự tin giao tiếp quốc tế. Làm cầu thủ muốn thành công trên đấu trường quốc tế cần được đào tạo bài bản để thành cầu thủ chuyên nghiệp thì làm doanh nhân muốn chuyên nghiệp cũng cần được đào tạo bài bản. Đối với một nền bóng đá, chỉ tập trung thu gom các cầu thủ giỏi để thi đấu mà không bồi dưỡng từ nhỏ và chuyên nghiệp thì thắng thua là do may rủi rất nhiều. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp câu chuyện cũng tương tự như vậy. Thiết nghĩ nếu chỉ tập trung “hớt váng” các doanh nghiệp tiềm năng xuất sắc trên thị trường và nhìn vào những chỉ số đầu tư mà không bồi dưỡng phát triển tinh thần doanh nhân và chuẩn bị kỹ năng, hiểu biết cho thế hệ trẻ sẽ rất khó để có những thành công bền vững và có khả năng lan tỏa. Cho đến giờ chúng ta vẫn chưa có nhiều những tập đoàn tầm cỡ quốc tế  phải chăng là do thiếu đi những trường đại học những cái nôi ươm mầm cho những doanh nhân ấy?

2. Sự va đập cọ xát và chấp nhận thất bại rất nên được khuyến khích. Sự tự tin dám vươn ra thị trường quốc tế mới giúp ta học được nhiều điều. Cầu thủ phải đi thi đấu để cọ xát học hỏi và rèn bản lĩnh để tự tin thì doanh nhân cũng cần thử sức mình ở những đấu trường lớn hơn. Nếu không có sự rèn luyện các cầu thủ U23 Việt Nam vốn quen với thời tiết nhiệt đới rất khó có thể chiến đấu đến phút thứ 120 tại một nơi đầy băng tuyết. Để rèn luyện ý chí, chúng ta cũng cần những doanh nhân sẵn sàng cho những khó khăn khắc nghiệt từ môi trường kinh doanh mang lại. Dám bước chân ra khỏi vùng an toàn (comfort zone) để thu hoạch từ những trải nghiệm mới mẻ là vô cùng cần thiết. Khí chất là thứ giúp đội tuyển của chúng ta thành công, nhưng sẽ không thể hình thành khí chất nếu như không có sự tôi luyện. Trận chiến với Uzbekistan chỉ là một sự mở đầu cho chuỗi những trải nghiệm mới cần thiết để có thể đi xa hơn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt hơn để vươn lên những tầm cao hơn.

3. Tinh thần đồng đội: Chẳng có thành công nào của riêng một cá nhân. Một đội bóng U23Vietnamthành công do tinh thần đoàn kết và sự đồng đều về thể lực kỹ thuật giữa các cầu thủ chứ không thể chỉ dựa vào một cá nhân riêng lẻ. U23Việt Nam thành công nhờ có một đội ngũ mạnh đồng đều, bổ trợ được cho nhau chứ không chỉ dựa vào một ngôi sao sáng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trẻ thành công cũng cần đội nhóm tốt chung tầm nhìn, quyết tâm và mục tiêu. Song một mình đội nhóm của họ cũng vẫn chưa đủ, họ cần những người đồng hành trong cả hệ sinh thái khởi nghiệp. Đội bóng cần phải biết xây dựng đội nhóm và dùng người và cũng phải biết liên kết hợp tác. Thậm chí còn phải liên kết với nhiều thành phần khác nhau trong cả một hệ sinh thái của môn thể thao này. Điều này cũng đúng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, một doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng cũng cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực xã hội: cần có những người đồng hành là giỏi những huấn luyện viên, những mentor, những đối tác hỗ trợ và bổ trợ tốt.

Các cầu thủ U23 Việt Nam sau trận chung kết AFC cup 2018

4. Sự tự tin, có mục tiêu và quyết liệt đến cùng: điều này có lẽ không phải chỉ trong bóng đá. Nếu thiếu đi điều này thì trận đấu nào cũng có thể chỉ giải quyết được việc học hỏi, thị trường nào cũng chỉ để biết biết mà không rút ra được điều gì. Chúng ta đi được xa tại giải đấu là vì chúng ta muốn chiến thắng và thực sự tin vào điều đó. Niềm tin cũng sẽ chỉ dừng lại nếu là sự cầu may rủi nếu không có những mục tiêu cụ thể và sự quyết liệt đến cùng. Điều quan trọng nhất đối với người chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chính là niềm tin vào những giá trị mình sáng tạo sẽ mang lại lợi ích cho mọi người và đặt ra những mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó.

5. Đặt nền móng cho người trẻ &Học từ người trẻ: Người trẻ rất hay, vì họ luôn sẵn sàng làm lại và không có gì để mất. Bỏ lại những thành tích cũng như thất bại trong quá khứ, họ vươn tới những đỉnh cao hơn. Tôi tin rằng, tương lai nằm trong tay những người trẻ. Song họ sẽ không thể có ngày hôm nay nếu không có những người đi trước tình nguyện làm viên gạch nền móng để xây dựng nhà từ móng. Tự nhận mình là một người trẻ với những người nhiều tuổi nhưng là thế hệ cũ với những bạn trẻ, tôi nhận thấy mình học được nhiều qua thành công của U23 Việt Nam. Đó có lẽ cũng là lý do tôi suốt đời muốn làm một mentee để được thấy mình trẻ và học hỏi và cũng luôn muốn mình trở thành một mentor. Được đồng hành và học từ những người trẻ, giỏi, có tầm nhìn, khát khao và niềm tin, còn gì tuyệt vời hơn như vậy? Sự kế tiếp giữa các thế hệ đòi hỏi tầm nhìn và xác định sứ mệnh của mình. Đó cũng là điều mà khởi nghiệp sáng tạo của chúng ta đang rất cần.

27496176_10156273968433013_1467040733_n6. Sáng tạo và sự lan tỏa giá trị & tinh thần đoàn kết: Khi các cầu thủ trẻ đá bóng, họ đá cho sự đam mê của chính mình. Có thể cũng giống như rất nhiều thế hệ cầu thủ khác, họ chiến đấu cho màu cờ sắc áo. Khi ra trận, có lẽ họ không cần nghĩ quá nhiều mà chỉ chiến đấu hết mình. Doanh nhân có lẽ cũng vậy, khởi điểm từ sự đam mê, từ việc thấy một bất công mà không ai giải quyết và làm đến cùng. Có điều, chính các cầu thủ cũng không bao giờ nghĩ rằng, mình đã sáng tạo ra những giá trị mới cho văn hóa bóng đá Việt Nam, một sự lột xác bỏ lại đằng sau sự tự ti, lối chơi manh mún, họ mang đến một tinh thần chơi đẹp – fair play làm nên một hình ảnh bóng đá Việt Nam mới. Câu chuyện của họ không phải cổ tích, bởi họ đã nỗ lực hết sức, chuẩn bị cho nó chứ không phải chờ đợi phép màu. Có điều họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình lại tạo ra được những tác động lớn lao như vậy: tinh thần gắn kết, tạo ra cả triệu nụ cười, sự nồng ấm, vô tư gắn bó với nhau cho cả một dân tộc đang còn vật lộn trong khó khăn mưu sinh. Họ đã tạo ra những giây phút mà người ta quên hết những mâu thuẫn nhỏ nhặt, những bộn bề cuộc sống để cùng hân hoan trong niềm vui và hy vọng.

Vì vậy, tôi nghĩ đơn giản rằng, có lẽ không cần phải nghĩ quá nhiều, hãy nghĩ đến những giá trị tốt đẹp và cố gắng chiến đấu hết sức mình, bạn không cần phải cân đo, đong đếm, nhưng một ngày bạn chợt nhận ra những “tác động lan tỏa” đó thật lớn lao mà không vật chất nào mua nổi. Có lẽ đó là sự hấp dẫn của sáng tạo giá trị, là chủ  nghĩa anh hùng trong sự lựa chọn của mỗi chúng ta trên con đường ta bước đi…

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý và Đồng sáng lập KisStartup

Viết cho Bóng đá U23Việt Nam và khởi nghiệp trẻ sáng tạo Việt Nam, 27.1.2018

 

Bình luận - Sự kiệnTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Tư duy hướng tới hiệu quả: Phân tích từ Marou – Khai thác thế mạnh cốt lõi

DOUNIAMAG-VIETNAM-COMMODITIES-CHOCOLATENhiều người nói đến trường hợp của Socola Marou, đến câu chuyện của hai chàng trai Pháp sang Việt Nam làm loại sô cô la ngon nhất thế giới ở các khía cạnh thành công của họ: thiết kế đẹp, nhắm vào nhóm phân khúc khách hàng nước ngoài v..v. Cá nhân tôi cho rằng, có một vài điểm trong câu chuyện của họ rất đáng chú ý. Nó luôn khiến tôi băn khoăn tại sao doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Bài viết ngắn này, tôi chia sẻ quan điểm từ góc nhìn “tư duy hướng tới hiệu quả – effectuations (tư duy hướng tới hiệu quả) mà chúng tôi có dịp giới thiệu với các bạn.

Đầu tiên, có thể bạn cũng đồng ý với tôi rằng

  1. Khi nghỉ việc để tập trung vào socola cho dù họ không nắm trong tay công thức hay công nghệ sản xuất socola nào, điều đó không có nghĩa là họ không có gì.
  2. Khi họ đưa sản phẩm của họ tới những người nước ngoài ở Việt Nam và xuất khẩu có lẽ, họ cũng không nghĩ quá nhiều về việc sử dụng các bài báo, blog nước ngoài để viết bài, từ đó báo Việt dịch lại và PR cho họ tại thị trường Việt Nam

Tôi chỉ nghĩ chắc chắn họ đang tận dụng rất tốt những thế mạnh họ thực sự có, vượt lên trên những gì chúng ta thấy trên bề mặt như thiết kế đẹp. Tôi cho rằng họ tận dụng rất tốt thế mạnh cốt lõi của mình là sự hiểu biết về thị trường Âu về gu thưởng thức và những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Người Việt sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để thực sự hiểu được gu thưởng thức socola của thị trường Châu Âu, và có lẽ rất ít nhà sản xuất Việt Nam biết đến những nơi như Academy of Chocolate (Viện Hàn lâm Socola) ở Anh để tạo cho sản phẩm những tấm giấy thông hành để xuất khẩu như họ.

Mặt khác, hai chàng trai này cũng tận dụng được tối đa việc thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm trong cộng đồng nhỏ của nước ngoài ở Việt Nam. Mối quan hệ của họ trong mạng lưới những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cho họ sự tiếp cận một cộng đồng nhỏ nhưng đa dạng và mở ra đầy hứa hẹn cho những cơ hội xuất khẩu.

Một trong những lý do khiến sản phẩm của họ thực sự bền vững chính là sự gắn bó mật thiết với những giá trị bản địa bản địa của sản phẩm. Để tôn vinh vùng trồng nguyên liệu cho Socola Marou, thay vì chọn những cái tên Pháp, Marou chọn những cái tên đầy trân trọng cho những loại sản phẩm của họ: 5 loại socola của hãng theo 5 tỉnh cung cấp nguồn hạt cacao là Tiền Giang, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bến Tre.

Một sản phẩm kết hợp giữa những giá trị cốt lõi bản địa với thế mạnh về hiểu biết thị trường chắc chắn sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển. Bài viết không nhằm mục đích quảng bá cho bất kỳ thương hiệu, sản phẩm dịch vụ nào. Tại KisStartup, chúng tôi tập cho mình một thói quen từ mỗi câu chuyện thành công hay thất bại phải cố gắng nhìn ra những giá trị từ câu chuyên của họ để liên tưởng đến những câu chuyện startup chúng tôi đang làm việc.

Nếu phân tích dựa trên 5 tư duy hướng tới hiệu quả, có lẽ không phải nói quá nhiều, điểm nổi bật trong cách suy nghĩ của họ chính là khai thác triệt để thế mạnh của mình và tự kiến tạo tương lai. Trong thách thức của một thị trường đang phát triển như Việt Nam lại tồn tại rất nhiều cơ hội không chỉ của những vùng nguyên liệu trù phú mà còn ở thị trường thiếu thốn những sản phẩm tốt, có chất lượng thực sự. Họ không nghĩ quá nhiều về điểm yếu của mình trong việc thiếu kinh nghiệm trong sản xuất socola. Họ có niềm tin vào tiềm năng của sản phẩm và họ bỏ việc để tập trung hoàn toàn. Điều đó cũng cho thấy, giống như quan sát của tôi, trong nhiều trường hợp, thành công không đến từ người giỏi nhất mà đến từ người tập trung nhất và kiên trì nhất!

Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Nguồn: KisStartup

Blog do những Sáng lập & Đội ngũ tại KisStartup viết và giới thiệu tới bạn. Rất mong nhận được phản hồi, chia sẻ của bạn đọc. Nếu trích dẫn, xin bạn lưu ý chỉ rõ nguồn và tác giả để tôn trọng những nỗ lực của chúng tôi. Tìm hiểu thêm về chúng tôi tại : http://www.kisstartup.com

KIẾN THỨC CHO GIẢNG DẠY KHỞI NGHIỆP & ĐỔI MỚI SÁNG TẠOKIẾN THỨC CHO STARTUPTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Khởi nghiệp trong sinh viên: Cảnh báo những cơn hoang tưởng (Kỳ 2)

Các cuộc thi khởi nghiệp đang cố gắng để tăng số lượng sinh viên có tư chất lên, trong khi điều đó là không thể.

Những hệ lụy khôn lường

Lighting lamp on money backgroundNhững cuộc thi ồn ào như showbiz: Sẽ không ngoa nếu mô tả bức tranh các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay như một showbiz. Những sự kiện rầm rập, các bạn “startup” như chạy sô từ chỗ này sang chỗ khác. Thay vì dành thời gian tiếp xúc khách hàng, người sẽ nuôi sống họ, hay chí ít ngồi một chỗ để phát triển sản phẩm dịch vụ, thì các bạn mang dự án đi hết nơi này đến nơi khác “pitching” hết cuộc thi này, vườn ươm kia mong tìm được nhà đầu tư. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn và sâu sắc hơn. Khi khuyến khích các cuộc thi khởi nghiệp, chúng ta đang khuyến khích sự ồn ào nổi tiếng, cơ hội được đầu tư, hồ sơ tốt khi đi xin việc hay sự tham gia mang tính phong trào? Chúng ta tạo ra những giải thưởng hấp dẫn và số tiền thưởng ngày càng tăng lên để hút được nhiều ý tưởng hay hay thực chất ta đang tạo ra những dự án zombie? Không ít dự án nhất nhì các cuộc thi bước chân ra ngoài thị trường bị chết yểu. Không ít dự án nằm trên giấy và vĩnh viễn chỉ xuất hiện trong hồ sơ của một vài bạn trẻ.
Cơn hoang tưởng không hồi kết: Có một nhà đầu tư từng bảo tôi, nhìn các giai đoạn phát triển của startup như trên mới thấy, cơn hoang tưởng có lẽ khó dừng lại. Anh từng buộc phải từ chối đầu tư cho dự án vì chủ dự án mới ở giai đoạn ý tưởng, mặc dù ý tưởng rất hay, bạn ấy rất thông minh, thị trường cũng có tiềm năng nhưng định giá ở mức ngất trời – 25 triệu USD. Những giấc mơ Zuckerberg khiến không ít bạn trẻ tin rằng, mình sẽ làm ra một cái gì đó tương tự. Không ai cấm các em mơ lớn, nhưng khi bản thân không kiếm nổi một đồng nuôi thân để tự lập thì đừng mong một ngày sẽ có những ý tưởng thay đổi cả thế giới. Chúng ta muốn các bạn nghĩ lớn nhưng không khuyến khích các em bắt đầu nhỏ. Cách tiếp cận hời hợt về nhà đầu tư khiến các bạn trẻ mới bắt đầu có ý tưởng kinh doanh đã nghĩ ngay đến việc đi gặp nhà đầu tư để có tiền thực hiện mà quên đi mất rằng, tiền không phải là câu chuyện quan trọng nhất trong khởi sự kinh doanh.
Lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội: không chỉ lãng phí nguồn lực của xã hội mà một điều rất đáng nói ở đây là sự lãng phí cả về thời gian và cơ hội. Quay trở lại bài báo về “thất nghiệp xanh” tôi đã nêu [ở kỳ 1], năng lực cạnh tranh kém của nguồn nhân lực Việt Nam thể hiện qua kỹ năng mềm, khả năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề. Nếu những nguồn lực được đặt đúng chỗ, nâng cao năng lực cho các em, có lẽ cơ hội kiếm tiền, xin việc làm sau khi tốt nghiệp đã cao hơn rất nhiều. Một thầy giáo người Mỹ từng chia sẻ với tôi, khi viết hồ sơ, các bạn trẻ Việt Nam có xu hướng kể rất nhiều về những dự án tự kinh doanh của mình, nhưng trên thực tế, nếu nộp sang Mỹ thì đó là điểm trừ. Họ đánh giá cao nhất những người tìm được việc làm ở những công ty lớn vì đó là bộ lọc thực sự của thị trường. Chỉ có thất nghiệp mới phải khởi sự kinh doanh. Đây mặc dù chỉ là một cách nhìn, nhưng nó cũng khiến chúng ta suy nghĩ, nên khuyến khích các em cái gì. Trở thành người làm thuê chuyên nghiệp để học và phát triển trước khi khởi sự kinh doanh hay trở thành một người khởi sự kinh doanh ngay? Chi phí cơ hội nằm ở sự lựa chọn.

Một số gợi ý về hướng tiếp cận

Làm thế nào để những cuộc thi hay các chương trình khởi nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn và đồng hành với sự phát triển con người, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn lực trẻ?
Vấn đề đầu tiên cần thay đổi chính là ở tư duy. Mặc dù khuyến khích khởi sự kinh doanh, nhưng phải luôn nhận thức được rằng, khởi sự kinh doanh không phải là cách duy nhất để thành công và đóng góp cho xã hội. Khởi sự kinh doanh để theo đuổi đam mê, bán những giá trị của riêng mình là điều nên làm, còn nếu không, hãy biến nó thành một quá trình tự học để giải quyết những vấn đề lớn và hoàn thiện kỹ năng cho bản thân trước khi đi xin việc.
Để minh chứng cho việc tôi thuyết phục những người đang thúc đẩy phong trào này, thay đổi tư duy như trên, xin đưa ra một minh họa như sau:

Nếu lấy hình vẽ trên đây tượng trưng cho hơn hai triệu sinh viên trên cả nước (theo GSO.2015), thì trên thực tế tỷ lệ sinh viên có ý tưởng tốt và khả năng khởi sự kinh doanh chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (chấm tròn màu trắng). Tỷ lệ thành công ngay thời đi học lại càng nhỏ hơn (dưới 4% trong số này). Chúng ta đang cần khuyến khích các em có ý tưởng tốt và khả năng kinh doanh đi khởi nghiệp và tạo điều kiện cho các em đã khởi nghiệp thành công tiếp tục mở rộng kinh doanh. Chúng ta cần hỗ trợ các em có tư chất, còn như hiện nay, chúng ta đang cố gắng tăng số lượng những em này. Dường như chúng ta quên đi mất mình đang phục vụ ai và mục tiêu là gì.
Để phục vụ các đối tượng tốt hơn, và gia tăng khả năng được tuyển dụng hoặc khởi nghiệp thành công của sinh viên sau khi ra trường, chúng ta cần xây dựng phễu cho các cuộc thi.

Phễu này giúp cho các cuộc thi và các trường – nơi tổ chức cuộc thi, lựa chọn phân khúc để hỗ trợ. Chẳng hạn, nếu nhắm đến phân khúc đại trà, để các em học sinh nâng cao trải nghiệm, gia tăng kỹ năng… thì cần có triết lý và format tương ứng với phân khúc mục tiêu đó. Bên cạnh đó, một ích lợi khác của phễu cuộc thi này còn là để các trường xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phục vụ từng giai đoạn khác nhau của các dự án khởi nghiệp trong sinh viên. Nhà trường chỉ tham gia kết nối đầu tư hoặc đầu tư, phát triển và nhân rộng mô hình khi các em đã có những dự án khả thi và được thử nghiệm bởi thị trường.
Ở các trường đại học, việc ưu tiên số một là giảng dạy và lồng ghép khả năng tư duy sáng tạo, phát hiện vấn đề của đời sống, thị trường và tư duy về khởi sự kinh doanh cho tất cả học sinh. Tiếp theo, cần đào tạo cho các em những kỹ năng quan trọng mà không chỉ khởi nghiệp cần như kỹ năng lãnh đạo và những kỹ năng mềm khác như làm việc đội nhóm, xử lý tình huống, đàm phán v.v. Sâu hơn nữa có thể cung cấp những công cụ cơ bản: Ví dụ công cụ của khởi nghiệp tinh gọn (lean startup), một trào lưu được rất nhiều trường đại học trên thế giới đưa vào giảng dạy do khả năng ứng dụng của nó trong doanh nghiệp rất thực tiễn. Một khi đã phát triển được tư duy, những kỹ năng và công cụ này, cơ hội để có việc làm sau khi tốt nghiệp của các em sẽ cao hơn cho dù khởi sự kinh doanh thành công hay thất bại. Lấy ví dụ tư duy phát hiện vấn đề, giải quyết sáng tạo, hiểu biết về chân dung khách hàng thì bất kỳ một sinh viên thuộc chuyên ngành nào, làm thuê hay khởi nghiệp đều cần nắm rõ.
Các cuộc thi khởi nghiệp cũng cần đứng từ bình diện rộng hơn, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để nhìn những vấn đề và cơ hội của quốc gia trước nhiều ngưỡng cửa hội nhập mới. Chúng cần hướng các bạn trẻ tới những tư duy mới mẻ mang hơi thở của cuộc sống và kinh doanh hiện đại. Có như vậy, khởi sự kinh doanh mới thở chung một bầu không khí với thị trường lao động, với áp lực cũng như cơ hội hội nhập và trên hết mới hướng tới giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, thời đại.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Nguồn: Tia Sáng

Tác giả: 
KisStartup

5 phút mỗi ngày: Sách khởi nghiệp: The Hard Thing about Hard things- Phần 1 – Khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ

“KisStartup nhận ra rằng, việc đọc cả một cuốn sách dài với những founder của startup là điều không khả thi. Vì vậy, cần có một cách tóm tắt hiệu quả hơn chỉ là giới thiệu sách, một tóm tắt đủ cẩn thận với độ dài vừa phải, với những thông điệp quan trọng. Được mentor Phan Đình Tuấn Anh của SME Mentoring 1:1 giới thiệu, chúng tôi đã tìm được địa chỉ có những cuốn sách được tóm tắt và giới thiệu một cách cẩn thận tại Paul Minors. Sau khi được Paul cho phép, chúng tôi lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với khởi nghiệp, đội nhóm của KisStartup tìm đọc các cuốn sách nguyên gốc để đảm bảo chắc chắn một lần nữa cuốn sách phù hợp với các khởi nghiệp và chuyển nghĩa sang tiếng Việt.  Trong suốt 2018, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với bạn những cuốn sách này và chia nhỏ theo từng phần để phù hợp thời lượng đọc của bạn tối đa 5 phút mỗi lần.

Hard-2The Hard Thing about Hard things là cuốn đầu tiên chúng tôi giới thiệu bởi chúng tôi thấy ở đó sự đồng cảm với những khởi nghiệp, những câu chuyện không bao giờ cũ về con người và thái độ ứng xử với startup và những con người trong tổ chức vốn sinh ra để đi tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới đầy thách thức nhưng không ít cám đỗ. Khởi nghiệp nhiều khó khăn và đòi hỏi những nỗ lực phi thường. Ben Horowitz đưa ra những thông điệp cô đọng, chỉ ra những điều cần thiết khi đôi khi ta lãng quên. Khi đọc nó, tôi nhận ra một điều, văn hóa doanh nghiệp có lẽ cũng hình thành từ sự trưởng thành của người sáng lập khởi nghiệp sáng tạo từ vai trò một sáng lập viên – startup founder- thành người sở hữu một doanh nghiệp sáng tạo giá trị – business owner.

Cuốn sách được đồng nghiệp của tôi tại KisStartup – Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup” chuyển nghĩa. Tôi hy vọng bạn cũng như tôi tìm được giá trị từ cuốn sách này. Đúng như tác giả của cuốn sách Ben Horowitz nói: “Cái khó không phải là đặt ra những mục tiêu lớn, thách thức và táo bạo. Cái khó chính là việc bạn phải sa thải nhân viên khi bạn không thực hiện được những mục tiêu lớn ấy“. Làm thế nào để cùng nhau xây dựng tầm nhìn, trở thành một CEO theo đúng nghĩa và duy trì được sự kiên định trên con đường sáng tạo giá trị, hãy cùng đọc, khám phá và thực hành“. Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup


The Hard Thing about Hard things- Phần 1 – Khi mọi thứ bắt đầu đổ vỡ

Cben_horowitzuốn sách The Hard Thing about Hard things của doanh nhân Ben Horowitz – một trong những vị doanh nhân giàu kinh nghiệm và đáng kính tại Sillicon Valley – chỉ dẫn cách bắt đầu và vận hành công ty khởi nghiệp. Ben Horowitz chia sẻ hành trình của chính mình rồi từ đó đưa ra lời khuyên cho câu hỏi  làm thế nào để trở thành một CEO thành công, tạo dựng công ty có tầm nhìn, khuyến khích văn hóa làm việc, tuyển dụng, cắt giảm nhân sự và rất nhiều thông tin bổ ích khác. Đây là cuốn sách gối đầu cho những ai đang kiếm tìm lời khuyên bổ ích về kinh doanh!

CEO đều phải đối mặt với khó khăn. Vậy đâu là bí quyết để trở thành một CEO thành công? Đáng tiếc, chẳng có bất kỳ bí quyết nào nhưng nếu là kĩ năng thì đó chính là sự kiên định và khả năng tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho doanh nghiệp. Lúc bạn cảm thấy thất bại ê chề  mới chính là lúc bạn có thể tạo nên sự khác biệt lớn nhất.

Giai Đoạn Khủng Hoảng

Mọi CEO đều khởi đầu với tầm nhìn rõ ràng. Bạn sẽ tạo ra một môi trường làm việc tuyệt vời, thu hút những người thông minh nhất cùng cho ra sản phẩm làm hài lòng khách hàng và giúp thế giới tốt đẹp hơn. Thật tuyệt phải không? Nhưng sau đó, sau khi làm việc ngày đêm để biến giấc mơ thành hiện thực, bạn thức dậy và nhận ra rằng mọi thứ đang không đi theo hướng bạn đã vạch ra. Sản phẩm của bạn gặp phải vấn đề. Thị trường không vận hành theo ý muốn. Nhân viên mất tự tin và nghỉ việc. Khách hàng cũng rời bỏ bạn. Mọi thứ sụp đổ ngay trước mắt. Và bạn thì rơi vào Khủng hoảng (The Struggle).

Khủng hoảng không phải là thất bại nhưng nó sẽ gây ra thất bại đặc biệt khi bạn nhụt chí. Phần lớn mọi người đều không đủ kiên cường để vượt qua giai đoạn này. Nhưng đừng lo, mọi doanh nhân nổi tiếng trên thế giới như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg đểu trải qua thời kỳ Khủng hoảng của chính mình. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt qua thời kỳ này. Đó là lí do tại sao nó được gọi là Khủng hoảng. Lúc khó khăn nhất chính là lúc điều tuyệt vời nhất xảy ra.

Lời khuyên giúp bạn vượt qua Khủng hoảng

  • Đừng gánh vác khó khăn một mình.
  • Đây không phải ván cờ đam. Đây là ván cờ vua. Vậy nên, nó phức tạp.
  • Bạn chơi càng lâu thì càng có cơ hội gặp may.
  • Đừng đơn thương độc mã.
  • Nhớ rằng, đây là giai đoạn giúp bạn trưởng thành.

CEO hãy thành thật

CEO thường nghĩ rằng lo lắng cho vấn đề của công ty là việc của riêng mình. Và điều đó không hề đúng. Nếu công ty mất một khách hàng lớn thì tất cả công ty phải cùng biết nguyên nhân để cùng nhau giải quyết lỗ hổng trong sản phẩm, marketing và bán hàng. Hãy giao cho những người không chỉ có thể giải quyết vấn đề mà còn hào hứng làm.

Minh bạch trong công ty bởi 3 lí do sau đây:

  1. Sự tin tưởng. Không có sự tin tưởng, không thể làm việc.
  2. Càng nhiều người cùng giải quyết vấn đề càng tốt.
  3. Văn hóa công ty tốt giống như giao thức định tuyến (RIP): tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nếu bạn làm chủ doanh nghiệp, bạn buộc phải lạc quan. Vượt qua áp lực, đối mặt với sợ hãi và nhìn thẳng vào vấn đề.

Cách cắt giảm nhân viên

Cắt giảm nhân viên không phải chuyện dễ dàng. Dưới dây là một vài lời khuyên giúp bạn cắt giảm nhân viên hợp tình hợp lý.

  • Hiểu mình định làm gì.
  • Không trì hoàn
  • Hiểu lý do cho nhân viên nghỉ việc
  • Đào tạo quản lý để biết cách cắt giảm nhân viên
  • Thông báo tới toàn thể công ty về việc cắt giảm nhân viên và nêu lý do tại sao.
  • Rõ ràng và thực tế – nói rõ về tình hình công ty, không lảng tránh.

Chuyển nghĩa bởi Tạ Hương Thảo – Điều phối các chương trình nâng cao năng lực tại KisStartup“.

Nguồn: Paul Minors

Tác giả: 
KisStartup

Ba điểm yếu của khởi nghiệp Việt Nam

Khởi nghiệp trong kinh doanh đòi hỏi sự chuẩn bị về tinh thần, kiến thức và kỹ năng. Lựa chọn con đường kinh doanh để khởi nghiệp là lựa chọn một con đường gian khổ.strengths

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, việc hiểu biết bản thân, những điểm mạnh cần khai thác và những điểm yếu cố hữu cần khắc phục ngay sẽ giúp khởi nghiệp Việt Nam có khả năng tiến xa hơn trên con đường kinh doanh nói chung. Nhiều lời khuyên các khởi nghiệp nên tập trung vào thế mạnh, nhưng có những điểm yếu không thể không khắc phục vì về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sống sót của doanh nghiệp. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả qua những quan sát trong quá trình làm việc với doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Có quá nhiều ý tưởng

Khác với nhiều người rơi vào trạng thái bí ý tưởng, các nhóm khởi nghiệp, tôi tiếp xúc thường rơi vào trạng thái đối lập là có quá nhiều ý tưởng mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn đặt câu hỏi là: bạn đang làm gì? thì không ít các khởi nghiệp sẽ kể ra không dưới ba ý tưởng đang có trong đầu và/hoặc đang triển khai. Các bạn thử rất nhiều, kinh doanh nhiều thứ khác nhau cùng một lúc, cho ra đời những thành công nho nhỏ, hoặc rất nhiều thất bại và đôi khi các doanh nghiệp khởi nghiệp dậm chân tại chỗ với một mớ ý tưởng.

Nhiều khởi nghiệp lại muốn nhắm vào tất cả khách hàng trên thị trường. Không khó để nhận ra, trên website của nhiều bạn khởi nghiệp, ví dụ, phần mềm quản lý khách hàng, thiếu một câu chuyện tập trung cho một đối tượng khách hàng cụ thể. Các bạn nghĩ rằng mình có thể bao phủ toàn bộ thị trường, đưa ra thật nhiều sản phẩm dịch vụ và có thể thực hiện để phục vụ nhu cầu rộng khắp của các khách hàng. Tuy vậy, hãy coi trọng chất lượng hơn số lượng, hãy tập trung vào thế mạnh lớn nhất của bạn hoặc thứ mà thị trường đang thiếu thốn nhất. Cơ hội thành công chỉ đến với những người thực sự vượt trội. Mà muốn có sự vượt trội, bạn phải đầu tư thời gian, công sức và sự tập trung toàn bộ nguồn lực vào một thứ mà thôi.

Một biểu hiện khác là sự thử nghiệm quá nhiều thứ một lúc nhưng không tập trung và phân tích thế mạnh của mình. Nhiều bạn khởi nghiệp dựa trên quan sát những nhu cầu “hot” trên thị trường. Vì đuổi theo hết trào lưu này sang trào lưu khác mà thiếu cân nhắc đến thế mạnh và nguồn lực của mình, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ dừng lại ở việc tồn tại, không thể tập trung ở một mảng thị trường cụ thể và khai thác một công việc kinh doanh rõ ràng để khiến nó phát triển.

Việc có quá nhiều ý tưởng là một điểm yếu lớn bởi lẽ, khi có quá nhiều ý tưởng, nguồn lực triển khai thường bị phân tán và khó đạt được hiệu quả cao nhất. Mặt khác, việc phân tán cho nhiều ý tưởng thường khiến các nhóm khởi nghiệp có nguy cơ tan rã sớm do mâu thuẫn về tầm nhìn và tập trung nguồn lực cả đội. Nguyên nhân của việc có nhiều ý tưởng thì có nhiều, nhưng mặt trái của nó về lãng phí thời gian và chi phí cơ hội thì không phải doanh nghiệp khởi nghiệp nào cũng nhận ra.

Để khắc phục, cách quan trọng là phải có tiêu chí lựa chọn ý tưởng, ưu tiên những ý tưởng mang tính khả thi, có khả năng tiến xa và đặc biệt phù hợp với đam mê và năng lực của cả nhóm. Công thức chung cho việc phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên và tập trung chính là cách để một khởi nghiệp tìm được tiếng nói đồng thuận, tầm nhìn của cả đội.

Tiếng Anh giao tiếp kém 

Nhiều nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài gặp khó khăn trong giao tiếp và hiểu các doanh nghiệp khởi nghiệp về sản phẩm, dịch vụ của họ. Rào cản lớn nhất đó chính là tiếng Anh. Các doanh nhân khởi nghiệp đang đánh mất cơ hội của mình trước các khởi nghiệp nước ngoài do khả năng ngôn ngữ kém, khả năng biểu đạt ý tưởng kém và thiếu sự tự tin cần thiết khi giao tiếp bằng ngôn ngữ nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, việc thiếu kỹ năng cơ bản này đang hạn chế rất nhiều cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, giảm năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp có chung nhận định rằng, việc không tự vượt qua rào cản ngôn ngữ thể hiện sức ì rất lớn trong tâm lý của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Nó cũng thể hiện sự thiếu sẵn sàng cho khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thể ra khỏi ao làng nếu tình trạng tiếng Anh vẫn còn ở mức dừng lại vài câu chuyện, xin chào, tạm biệt và chỉ bất lực sử dụng ngôn ngữ hình thể và vốn tiếng Anh hạn hẹp để mô tả sản phẩm, dịch vụ của mình.

Việc cải thiện trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp, phát âm không phải quá khó. Tất cả bắt đầu từ tư duy và tầm nhìn để hội nhập. Có một câu chuyện của nhóm trẻ khởi nghiệp tôi biết thực sự đáng suy nghĩ. Khi xác định nhất định phải phát triển một ứng dụng hỗ trợ những người bán hàng trực tuyến bằng tiếng Anh, CEO của công ty đã quyết định bắt cả đội học tiếng Anh thật tốt song song với việc phát triển ứng dụng về mặt công nghệ. Không một nhà đầu tư hay đối tác nào nghi ngờ về tầm nhìn toàn cầu của bạn nếu bạn đang sở hữu một đội ngũ tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với họ. Thực tế đã chứng minh, những nhóm khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu xây dựng một chút tiếng tăm hay thành công trên thị trường quốc tế đều là những nhóm sở hữu những nhân viên có trình độ tiếng Anh tốt.

Thiếu và yếu kiến thức nền tảng

Sự thiếu hiểu biết của startup về những vấn đề có liên quan đến kinh doanh chuyên nghiệp cũng là một cản trở đến sự thành công của các khởi nghiệp. Trong đó có hiểu biết về tài chính, luật pháp và thị trường.

Họ thiếu hiểu biết về tài chính trong khi các nhà đầu tư cần con số về tiềm năng công việc kinh doanh một cách thực tiễn để có thể ra những quyết định trên khoản tiền đầu tư của họ. Họ thiếu hiểu biết nên vướng vào nhiều vấn đề như thiếu cân nhắc về loại hình công ty khi thành lập, không bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ. Họ thiếu hiểu biết về thị trường, các con số về đối thủ cạnh tranh, khách hàng tiềm năng. Cuộc chơi vốn thuộc về những người hiểu nhu cầu thị trường khiến không ít khởi nghiệp Việt Nam mất hẳn lợi thế cạnh tranh so với startup ngoại vốn tìm hiểu thị trường rất kỹ trước khi bắt đầu ngay cả khi họ kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân khách quan là lỗi của hệ thống giáo dục. Tuy vậy, trước khi thực sự chờ đợi những thay đổi mang tính căn bản, các khởi nghiệp phải tự cứu lấy mình, tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết để chủ động sống sót và tồn tại bền vững.

CEO của Google và rất nhiều chuyên gia khởi nghiệp trên thế giới có chung nhận định và lời khuyên dành cho các startup Việt Nam là hãy chiếm lĩnh thị trường nội địa trước khi vươn ra thế giới. Tuy vậy, nếu nhìn lại với điểm yếu là thường thiếu thông số thị trường, thiếu cái nhìn tổng quan, thiếu ý thức về việc phải nghiên cứu thông số thị trường trước khi bắt đầu, các khởi nghiệp Việt Nam khó có thể chiếm lĩnh thị trường nhà. Với điểm yếu ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, việc vươn ra thị trường nước ngoài càng trở nên khó khăn. Nếu không có những đột phá về sản phẩm mũi nhọn, ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, khởi nghiệp Việt Nam sẽ không thực sự sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trên sân nhà và tìm những cơ hội lớn hơn trên sân chơi quốc tế.

Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Bình luận - Sự kiệnTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup