Khởi nghiệp trong sinh viên: Cảnh báo những cơn hoang tưởng (Kỳ 2)

11/04/18 06:04:38 Lượt xem:

Các cuộc thi khởi nghiệp đang cố gắng để tăng số lượng sinh viên có tư chất lên, trong khi điều đó là không thể.

Những hệ lụy khôn lường

Lighting lamp on money backgroundNhững cuộc thi ồn ào như showbiz: Sẽ không ngoa nếu mô tả bức tranh các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay như một showbiz. Những sự kiện rầm rập, các bạn “startup” như chạy sô từ chỗ này sang chỗ khác. Thay vì dành thời gian tiếp xúc khách hàng, người sẽ nuôi sống họ, hay chí ít ngồi một chỗ để phát triển sản phẩm dịch vụ, thì các bạn mang dự án đi hết nơi này đến nơi khác “pitching” hết cuộc thi này, vườn ươm kia mong tìm được nhà đầu tư. Chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn và sâu sắc hơn. Khi khuyến khích các cuộc thi khởi nghiệp, chúng ta đang khuyến khích sự ồn ào nổi tiếng, cơ hội được đầu tư, hồ sơ tốt khi đi xin việc hay sự tham gia mang tính phong trào? Chúng ta tạo ra những giải thưởng hấp dẫn và số tiền thưởng ngày càng tăng lên để hút được nhiều ý tưởng hay hay thực chất ta đang tạo ra những dự án zombie? Không ít dự án nhất nhì các cuộc thi bước chân ra ngoài thị trường bị chết yểu. Không ít dự án nằm trên giấy và vĩnh viễn chỉ xuất hiện trong hồ sơ của một vài bạn trẻ.
Cơn hoang tưởng không hồi kết: Có một nhà đầu tư từng bảo tôi, nhìn các giai đoạn phát triển của startup như trên mới thấy, cơn hoang tưởng có lẽ khó dừng lại. Anh từng buộc phải từ chối đầu tư cho dự án vì chủ dự án mới ở giai đoạn ý tưởng, mặc dù ý tưởng rất hay, bạn ấy rất thông minh, thị trường cũng có tiềm năng nhưng định giá ở mức ngất trời – 25 triệu USD. Những giấc mơ Zuckerberg khiến không ít bạn trẻ tin rằng, mình sẽ làm ra một cái gì đó tương tự. Không ai cấm các em mơ lớn, nhưng khi bản thân không kiếm nổi một đồng nuôi thân để tự lập thì đừng mong một ngày sẽ có những ý tưởng thay đổi cả thế giới. Chúng ta muốn các bạn nghĩ lớn nhưng không khuyến khích các em bắt đầu nhỏ. Cách tiếp cận hời hợt về nhà đầu tư khiến các bạn trẻ mới bắt đầu có ý tưởng kinh doanh đã nghĩ ngay đến việc đi gặp nhà đầu tư để có tiền thực hiện mà quên đi mất rằng, tiền không phải là câu chuyện quan trọng nhất trong khởi sự kinh doanh.
Lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội: không chỉ lãng phí nguồn lực của xã hội mà một điều rất đáng nói ở đây là sự lãng phí cả về thời gian và cơ hội. Quay trở lại bài báo về “thất nghiệp xanh” tôi đã nêu [ở kỳ 1], năng lực cạnh tranh kém của nguồn nhân lực Việt Nam thể hiện qua kỹ năng mềm, khả năng xử lý tình huống và giải quyết vấn đề. Nếu những nguồn lực được đặt đúng chỗ, nâng cao năng lực cho các em, có lẽ cơ hội kiếm tiền, xin việc làm sau khi tốt nghiệp đã cao hơn rất nhiều. Một thầy giáo người Mỹ từng chia sẻ với tôi, khi viết hồ sơ, các bạn trẻ Việt Nam có xu hướng kể rất nhiều về những dự án tự kinh doanh của mình, nhưng trên thực tế, nếu nộp sang Mỹ thì đó là điểm trừ. Họ đánh giá cao nhất những người tìm được việc làm ở những công ty lớn vì đó là bộ lọc thực sự của thị trường. Chỉ có thất nghiệp mới phải khởi sự kinh doanh. Đây mặc dù chỉ là một cách nhìn, nhưng nó cũng khiến chúng ta suy nghĩ, nên khuyến khích các em cái gì. Trở thành người làm thuê chuyên nghiệp để học và phát triển trước khi khởi sự kinh doanh hay trở thành một người khởi sự kinh doanh ngay? Chi phí cơ hội nằm ở sự lựa chọn.

Một số gợi ý về hướng tiếp cận

Làm thế nào để những cuộc thi hay các chương trình khởi nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn và đồng hành với sự phát triển con người, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn lực trẻ?
Vấn đề đầu tiên cần thay đổi chính là ở tư duy. Mặc dù khuyến khích khởi sự kinh doanh, nhưng phải luôn nhận thức được rằng, khởi sự kinh doanh không phải là cách duy nhất để thành công và đóng góp cho xã hội. Khởi sự kinh doanh để theo đuổi đam mê, bán những giá trị của riêng mình là điều nên làm, còn nếu không, hãy biến nó thành một quá trình tự học để giải quyết những vấn đề lớn và hoàn thiện kỹ năng cho bản thân trước khi đi xin việc.
Để minh chứng cho việc tôi thuyết phục những người đang thúc đẩy phong trào này, thay đổi tư duy như trên, xin đưa ra một minh họa như sau:

Nếu lấy hình vẽ trên đây tượng trưng cho hơn hai triệu sinh viên trên cả nước (theo GSO.2015), thì trên thực tế tỷ lệ sinh viên có ý tưởng tốt và khả năng khởi sự kinh doanh chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (chấm tròn màu trắng). Tỷ lệ thành công ngay thời đi học lại càng nhỏ hơn (dưới 4% trong số này). Chúng ta đang cần khuyến khích các em có ý tưởng tốt và khả năng kinh doanh đi khởi nghiệp và tạo điều kiện cho các em đã khởi nghiệp thành công tiếp tục mở rộng kinh doanh. Chúng ta cần hỗ trợ các em có tư chất, còn như hiện nay, chúng ta đang cố gắng tăng số lượng những em này. Dường như chúng ta quên đi mất mình đang phục vụ ai và mục tiêu là gì.
Để phục vụ các đối tượng tốt hơn, và gia tăng khả năng được tuyển dụng hoặc khởi nghiệp thành công của sinh viên sau khi ra trường, chúng ta cần xây dựng phễu cho các cuộc thi.

Phễu này giúp cho các cuộc thi và các trường – nơi tổ chức cuộc thi, lựa chọn phân khúc để hỗ trợ. Chẳng hạn, nếu nhắm đến phân khúc đại trà, để các em học sinh nâng cao trải nghiệm, gia tăng kỹ năng… thì cần có triết lý và format tương ứng với phân khúc mục tiêu đó. Bên cạnh đó, một ích lợi khác của phễu cuộc thi này còn là để các trường xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phục vụ từng giai đoạn khác nhau của các dự án khởi nghiệp trong sinh viên. Nhà trường chỉ tham gia kết nối đầu tư hoặc đầu tư, phát triển và nhân rộng mô hình khi các em đã có những dự án khả thi và được thử nghiệm bởi thị trường.
Ở các trường đại học, việc ưu tiên số một là giảng dạy và lồng ghép khả năng tư duy sáng tạo, phát hiện vấn đề của đời sống, thị trường và tư duy về khởi sự kinh doanh cho tất cả học sinh. Tiếp theo, cần đào tạo cho các em những kỹ năng quan trọng mà không chỉ khởi nghiệp cần như kỹ năng lãnh đạo và những kỹ năng mềm khác như làm việc đội nhóm, xử lý tình huống, đàm phán v.v. Sâu hơn nữa có thể cung cấp những công cụ cơ bản: Ví dụ công cụ của khởi nghiệp tinh gọn (lean startup), một trào lưu được rất nhiều trường đại học trên thế giới đưa vào giảng dạy do khả năng ứng dụng của nó trong doanh nghiệp rất thực tiễn. Một khi đã phát triển được tư duy, những kỹ năng và công cụ này, cơ hội để có việc làm sau khi tốt nghiệp của các em sẽ cao hơn cho dù khởi sự kinh doanh thành công hay thất bại. Lấy ví dụ tư duy phát hiện vấn đề, giải quyết sáng tạo, hiểu biết về chân dung khách hàng thì bất kỳ một sinh viên thuộc chuyên ngành nào, làm thuê hay khởi nghiệp đều cần nắm rõ.
Các cuộc thi khởi nghiệp cũng cần đứng từ bình diện rộng hơn, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để nhìn những vấn đề và cơ hội của quốc gia trước nhiều ngưỡng cửa hội nhập mới. Chúng cần hướng các bạn trẻ tới những tư duy mới mẻ mang hơi thở của cuộc sống và kinh doanh hiện đại. Có như vậy, khởi sự kinh doanh mới thở chung một bầu không khí với thị trường lao động, với áp lực cũng như cơ hội hội nhập và trên hết mới hướng tới giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, thời đại.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Nguồn: Tia Sáng

Tác giả: 
KisStartup

Tin tức liên quan