Techfest2018

Kết nối đầu tư tại Techfest tập trung nhiều hơn vào phát triển cộng đồng nhà đầu tư bản địa

Bài trả lời phỏng vấn của Báo Khoa học & Phát triển của Sáng lập KisStartup về phát triển cộng đồng nhà đầu tư bản địa và gia tăng kết nối đầu tư có chiều sâu

---

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cần có sự phát triển một cách chiến lược và bài bản một cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Trưởng ban Kết nối đầu tư của TECHFEST 2017, 2018.

Đây là năm thứ ba chị phụ trách Tiểu ban Kết nối đầu tư tại Techfest, chị đã theo dõi kết quả hoạt động kết nối đầu tư năm ngoái như thế nào và chị có những kỳ vọng gì với hoạt động kết nối đầu tư năm nay?

Năm ngoái, chúng tôi đo lường hoạt động kết nối giữa các nhà đầu tư và startup cả ở trong và sau sự kiện. Trong đó, ngay sau khi kết thúc phiên kết nối tại sự kiện, chúng tôi có phát phiếu khảo sát ý kiến nhà đầu tư trên ba phương diện quan trọng. 

Một là mức độ sẵn sàng của startup Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư. Có thể startup của mình rất tự tin, đánh giá độ sẵn sàng của mình là 8.8/10 nhưng nhà đầu tư lại chấm điểm thấp hơn thế rất nhiều. Thứ hai là họ có những góp ý gì để phát triển các startup. Thứ ba là họ có cân nhắc đầu tư không? Chỉ khảo sát ở mức độ cân nhắc, vì chúng ta không mong nhà đầu tư bỏ tiền ngay ra chỉ sau một cuộc gặp 30 phút.

Sau Techfest, Tiểu ban cũng theo dõi startup và nhà đầu tư, email và gọi điện cho họ để xem có nhận đầu tư hoặc đầu tư ai không, với số lượng bao nhiêu. Tuy cũng có những trường hợp nhà đầu tư quyết định rót tiền ngay, ví dụ như sau Mini matching năm nay (một trong các hoạt động trước Techfest 2018 dành cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ở Hà Nội), nhưng khoản đầu tư thường cũng không phải là quá lớn.

Năm ngoái, có gần 200 startup tham gia kết nối đầu tư (cả tại sự kiện và thông qua cổng thông tin online investmatch.net). Techfest 2017 có 29 thương vụ cân nhắc đầu tư với trị giá 4.5 triệu USD. Cũng dừng lại ở mức độ cân nhắc vì với Techfest, không nên kỳ vọng theo kiểu kết thúc sự kiện là có khoản đầu tư mấy triệu đô đầu tư ngay lập tức.

Bản thân Techfest là một sự kiện, là bước ngoặt để startup chứng minh năng lực và tương tác với nhà đầu tư. Chúng ta cần hiểu, đây chính là thời điểm các startup tỏa sáng sau khi chứng minh mình với thị trường, sau thời gian ươm tạo, tăng tốc, do đó việc liên kết giữa Techfest với hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng cần thiết, cần phải có những giai đoạn chuẩn bị để startup tối đa hóa được các cơ hội có ở Techfest.

Theo quan điểm của tôi thì không nên đặt gánh nặng quá lớn vào Techfest theo cách ‘đầu tư triệu đô’, mà là sự kiện quan trọng ghi nhận một bước ngoặt lớn sự phát triển của các startup và mở ra những cơ hội mới trên bình diện quốc tế cho startup, vì Techfest là sự kiện hướng đến tầm quốc tế, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và khu vực. Mức độ quan tâm của các bên cũng có thể phản ánh được sự trưởng thành của hệ sinh thái.

Vậy mức độ quan tâm của nhà đầu tư với sự kiện này như thế nào trong năm ngoái và năm nay, theo điều tra của chị?

Năm ngoái, tinh thần của nhà đầu tư trong nước có vẻ tốt, tiểu ban của chúng tôi gặp được nhiều người rất sẵn lòng bỏ tiền đầu tư. Năm nay mối quan tâm của những nhà đầu tư trong nước vẫn còn và cũng xuất hiện những gương mặt mới. Hơn nữa năm nay, có những nhà đầu tư và các quỹ mạo hiểm có những mối quan tâm đặc biệt, chẳng hạn như về nông nghiệp và tạo tác động cộng đồng.

Những nhà đầu tư và người sáng lập những quỹ này đều là các chủ doanh nghiệp lớn, giờ đây muốn “đóng góp lại cho xã hội” và tìm kiếm cơ hội mới nên họ muốn giúp đỡ những người trẻ và quan tâm đến những dự án kiểu như vậy. Đây cũng là điểm hay vì chúng ta cũng cần những câu chuyện như vậy bên cạnh những chủ đề chỉ xoay quanh Công nghệ và Công nghệ thông tin.

Trước khi Techfest diễn ra, Tiểu ban Kết nối đầu tư thường tổ chức sự kiện Hi-Tech Konec để kết nối giữa những startup có công nghệ mới với những doanh nghiệp đã trưởng thành ở quy mô lớn và vừa. Điều này có liên quan gì đến công việc kết nối đầu tư mà chị phụ trách?

Đầu tư cho startup có hai loại, ngoài nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm chúng ta vẫn thấy, còn có corporate innovation (đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp lớn) mà các tập đoàn này có thể đầu tư, mua lại hoặc đặt hàng cho startup.

Tuy nhiên, đấy là khái niệm mới đối với nhiều tập đoàn và doanh nghiệp, nên nếu không cho họ gặp riêng các nhóm công nghệ mà cứ mời các doanh nghiệp đi đến Techfest để làm nhà đầu tư chưa chắc các doanh nghiệp đã sẵn sàng bởi bản chất, không phải doanh nghiệp nào cũng hướng đến hoạt động đầu tư mang tính mạo hiểm.

Qua Hi-Tech Konec có thể thấy bắt đầu xuất hiện nguồn đầu tư theo hình thức này. Đó là các chủ doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ qua các startup đang cung cấp giải pháp cho ngành nghề của họ. Nhiều khi startup cũng không cần đầu tư mà họ cần người đồng hành trong quá trình phát triển thị trường hoặc hoàn thiện mô hình kinh doanh.

Cũng có trường hợp, startup rất giỏi công nghệ nhưng lại không biết công nghệ đấy dùng để giải quyết vấn đề gì trên thị trường, trong khi đó doanh nghiệp sẽ nhìn rất rõ vì họ là người đang thiếu công nghệ. Nhiều chủ doanh nghiệp lúc đầu định mua giải pháp của startup, tức là đặt hàng thôi thì sau lại trở thành nhà đầu tư, đây là cái thú vị ở Hi-Tech Konec vừa rồi. Kết thúc Hi-Tech Konec đã có một thương vụ doanh nghiệp mua lại một phần cổ phần của startup để cùng nhau tập trung phát triển thị trường mới, tuy nhiên, hai bên đều chưa muốn công bố.

Vậy startup ở Việt Nam có thể tìm kiếm hình thức đầu tư này từ các doanh nghiệp lớn?

Bắt đầu có sự quan tâm của các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào startup, nhưng hiện nay chỉ dừng ở mức quan tâm và tìm hiểu giải pháp. Cảm nhận của tôi qua cả Hi-Tech Konec và Mini Matching về doanh nghiệp lớn đến với chúng tôi là họ chưa thực sự sẵn sàng.

Doanh nghiệp lớn trong nước chuyển động tương đối chậm trong việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo thông qua startup. Có nhiều lý giải cho vấn đề này, một là vẫn tồn tại những rào cản về sự hiểu biết lẫn nhau, hai là, bản thân các tập đoàn lớn chưa coi việc đổi mới sáng tạo là sức ép lớn và ba là, doanh nghiệp lớn có thói quen tự làm lấy mọi thứ do họ có sẵn nguồn lực, họ chỉ sử dụng và/hoặc tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài khi thực sự mình không thể làm được hoặc làm không hiệu quả.

Ví dụ là Ami (startup cung cấp công nghệ để quản lý các tòa nhà) được giải Nhất trong cuộc thi của Techfest 2017 năm ngoái. Trước khi tham dự Techfest, khi doanh nghiệp đang tham gia một chương trình của Malaysia, sản phẩm đang ở giai đoạn nghiên cứu phát triển, đã có những doanh nghiệp của Malaysia quan tâm So với doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp ở khu vực có độ nhạy bén với công nghệ mới cao hơn rất nhiều. Trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam với thái độ dè dặt và có phần hoài nghi với năng lực của những startup cho dù trong rất nhiều trường hợp, mặc dù ở thế hệ 8x, 9x, nhiều startup đang nắm giữ những công nghệ có tiềm năng tạo ra thay đổi lớn về hiệu suất.

Điểm sáng qua Techfest 2017 chính là sau Techfest, Bình Minh Group đầu tư vào Ami cũng từ rất sớm (BMG Ami hiện đang cung cấp công nghệ IoT và quản lý dân cư ở nhiều khu đô thị trong nước và nước ngoài). Chúng tôi mong các tập đoàn trong nước có thể thấy một thông điệp từ trường hợp của BMG và Ami rằng nếu họ không thực sự chuyển mình thì có thể sẽ mất rất nhiều cơ hội.

Sự kiện Hi tech Konec 2018 nhằm giới thiệu những công nghệ mới trong hai ngành logistics và nông nghiệp của startup đến doanh nghiệp đã trưởng thành vừa và nhỏ. Diễn giả tham dự là anh Trần Mạnh Huy (giám đốc công ty VBPO, chuyên làm dịch vụ outsourcing cho các doanh nghiệp nước ngoài) và Trần Quang Cường (CEO của công ty Nexfarm, ứng dụng các công nghệ mới như bigdata, AI trong nông nghiệp).

Tuy nhiên, các startup thực sự giờ đây đều có thể kêu gọi từ nhà đầu tư nước ngoài. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng bây giờ là mở cửa, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vậy thì, việc xây dựng cộng đồng nhà đầu tư trong nước có quan trọng không?

 

Chúng tôi có hỏi kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư hoặc xây dựng các chương trình, mạng lưới đầu tư về việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người chia sẻ rằng, trên thực tế, ngay tại Mỹ, việc bay sang thành phố khác để đầu tư cũng đã hạn chế, vì rất khó theo dõi. Vậy nên việc họ bay nửa vòng trái đất sang để bỏ tiền đầu tư thì đúng là… rất rất khó.

Khoảng cách địa lý vốn đã một cản trở rất lớn do đó, có hai hướng khai thác một là từ cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược nhắm vào thị trường Việt Nam, và hướng thứ hai là phát triển cộng đồng nhà đầu tư trong nước. Hướng thứ 2 này vô cùng quan trọng để phát triển một hệ sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, như đề cập ở trên, trong hoạt động đầu tư năm nay, chúng tôi quan sát thấy, một số gương mặt đầu tư của năm ngoái không tham gia hoạt động kết nối đầu tư nữa. Họ chia sẻ rất thành thật rằng, một trong những nguyên nhân là… hết tiền và vì đã thất bại nhiều trong năm vừa rồi. Điều này phản ánh một thực tế là chúng ta còn thiếu những hoạt động đầu tư chuyên nghiệp cho khởi nghiệp sáng tạo.

Chấp nhận rủi ro là điều cần thiết trong hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và thành công không thể đến ngay. Thực tế này cũng phản ánh nhu cầu phải có hoạt động phát triển mạng lưới nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khởi nghiệp sáng tạo một cách bài bản từ chính sách vĩ mô đến các hoạt động của các tổ chức hỗ trợ, kết nối. Muốn phát triển cộng đồng nhà đầu tư đóng góp cho sự phát triển của startup thì trong năm tới đây là nhiệm vụ rất nghiêm túc.

Năm ngoái chúng tôi thử nghiệm bằng chương trình chia sẻ kinh nghiệm đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của những nhà đầu tư bản địa cho nhiều kinh nghiệm nhưng do ít người tham dự nên chúng tôi quyết định tổ chức sau Techfest. Mức độ quan tâm sau Techfest nâng cao vì trước đó, khái niệm còn mới mẻ.

Trên thực tế, việc phát triển cộng đồng nhà đầu tư gặp nhiều rào cản về tư duy. Không ít các nhà đầu tư cho rằng mình đã là chủ doanh nghiệp có những thành công nhất định, không cần phải đào tạo. Nhiều nhà đầu tư chỉ sở hữu 10-20% cổ phần nhưng can thiệp quá sâu vào hoạt động của startup. Những cách đầu tư thiếu chuyên nghiệp sẽ có thể giết chết startup.

Có một số lượng khiêm tốn những nhà đầu tư chuyên nghiệp bản địa cho rằng, đầu tư chuyên nghiệp cũng cần học, đặc biệt là đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo vì có rất nhiều khái niệm mới, cách tiếp cận mới và cần một tư duy mới. Nhà đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phải là người yêu thích sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, tính toán về khả năng thu hồi vốn nhưng cũng cần phải đóng vai trò là người thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo và chấp nhận cuộc chơi dài hạn. Hoạt động truyền thông cần tập trung hơn nữa vào những điểm yếu của nhà đầu tư bản địa cần hoàn thiện.

Làm thế nào để có từng bước phát triển cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước?

Để có điều này thì phải bắt đầu từ cộng đồng cố vấn (mentor) chuyên nghiệp. Nhà đầu tư nên có những trải nghiệm là một cố vấn cho khởi nghiệp sáng tạo để có những hiểu biết nhất định về khởi nghiệp sáng tạo, bởi không làm mentor thì không bao giờ hiểu được đặc thù của startup. Một khi hiểu được startup thì mới đủ dũng cảm và niềm đam mê để đầu tư.

Chúng ta cũng cần giới thiệu những câu chuyện, trải nghiệm của những nhà đầu tư tiên phong, có kiến thức. Những câu chuyện thành công và thất bại của những nhà đầu tư này sẽ giúp truyền cảm hứng, cung cấp kinh nghiệm cho những nhà đầu tư tiềm năng. Từ những thực tế đó, chúng ta sẽ có cơ hội để phát triển những cộng đồng nhà đầu tư lớn hơn trong tương lai.

Tác giả: 
Báo Khoa học & Phát triển

KisStartup hoàn thành Kết nối đầu tư tại Techfest2018

Đội ngũ KisStartup đã hoàn thàn công việc của Tiểu Ban Kết nối Đầu tư tại Techfest2018 - Sự kiện khởi nghiệp Quốc gia quan trọng có tầm khu vực do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức. Tại Techfest2018, đội ngũ KisStartup đã hoàn thành 

01 HiTech - Konec: Sự kiện kết nối doanh nghiệp và startup 

02 Mini Matching: trước Techfest gặp gỡ giữa nhà đầu tư trong nước và startup

01 Buổi gặp gỡ giữa nhà đầu tư nước ngoài với các startup tại Đà Nẵng

Với số lượng 160 cuộc kết nối và số vốn quan tâm đầu tư 7.86 triệu USD, Techfest2018 chứng kiến sự trưởng thành hơn của startup Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi trong hoạt động kết nối đầu tư, ngoại ngữ vẫn là một rào cản lớn đối với các startup. Chúng tôi hy vọng sẽ có những cải thiện tích cực từ phía startup và sự trưởng thành hơn của các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần trong nước trong năm 2019.

KisStartup cũng dành tặng 03 giải thưởng là 3 khóa khóa huấn luyện tăng cường trị giá 1.000 USD giá cho đội Medlink; Appa group, với giải pháp nông nghiệp thông minh được tạo ra với mục tiêu giải quyết các bài toán nông nghiệp giành giải thưởng là chương trình ươm tạo và kết nối với hệ sinh thái FoodAlfa trị giá 1.000 USD; Abivin, đơn vị cung cấp giải pháp Tối ưu hóa Chuỗi cung ứng trên nền tảng AI dành cho các doanh nghiệp giành giải thưởng là khóa huấn luyện tăng cường đặc biệt trị giá 1.200 USD.

 

Chương trình huấn luyện tăng cường (intensive coaching) là chương trình duy nhất tại Việt Nam cung cấp giúp các startup tăng tốc và kiểm chứng mô hình kinh doanh. Các đội nhận giải sẽ thực hiện chương trình huấn luyện từ năm 2019. 

Tác giả: 
KisStartup

Sự kiện Hi-Tech Konec- trong khuôn khổ Techfest 2018 “Kết nối Công nghệ cao Doanh nghiệp trong công nghiệp hỗ trwoj và Logistics"

Ngày 3.11.2018 đã diễn ra sự kiện HiTech Konec trong khuôn khổ Techfest2018 do Tiểu ban Kết nối đầu tư – KisStartup thực hiện tại không gian làm việc chung eSpace Coworking Space – Số 1 Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 
Sự kiện tập trung vào chia sẻ tri thức và kết nối các doanh nghiệp, startup trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và logistics với sự xuất hiện của hai diễn giả TS. Trần Mạnh Huy – Giám đốc VBPO và anh Trần Quang Cường – Sáng lập Nextfarm – giải pháp nông nghiệp thông minh với vai trò một nhà cung cấp giải pháp, một chuyên gia và một startup B2B. 
Nội dung sự kiện tập trung vào những câu hỏi lớn mang tính vĩ mô như tại sao phải ứng dụng công nghiệp 4.0 trong ngành logistics và công nghiệp hỗ trợ? Nếu không ứng dụng thì sao? Trả lời cho câu hỏi lớn này, TS. Trần Mạnh Huy cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, tại sao thế giới không nhắc nhiều đến CMCN 4.0 trong khi ở Việt Nam khái niệm này đang xuất hiện khắp mọi nơi là do, đa phần doanh nghiệp của chúng ta không nghĩ đến cải tiến nông nghiệp thường xuyên, năng suất lao động kém, máy móc lạc hậu và đã lỡ nhịp với cách mạng công nghiệp 3.0 vốn tập trung vào các câu hỏi lớn sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào. Sở dĩ cần phải thúc đẩy mạnh mẽ để các doanh nghiệp có ý thức hơn rằng chúng ta không còn cơ hội nào nữa trong xu hướng công nghệ mới vốn dựa trên nền tảng internet và dữ liệu. Hai diễn giả đều nhấn mạnh vai trò của ý thức thu thập dữ liệu của doanh nghiệp qua các nguồn khác nhau, xác định rõ nhu cầu, mục đích sử dụng dữ liệu và tìm kiếm những đối tác – mà có thể chính là startup- giải quyết bài toán phân tích, chiết xuất thông tin dữ liệu. Ví dụ, trong ngành nông nghiệp, diễn giả Trần Quang Cường nhấn mạnh dữ liệu cho phân tích, dự báo; trong khi đó, diễn giả Trần Mạnh Huy bổ sung thêm những vai trò quan trọng của dữ liệu và điều hướng dữ liệu như: xác định cung cầu, xây dựng tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp tham gia cũng đặt ra những câu hỏi về sử dụng dữ liệu để định giá sản phẩm dịch vụ, tìm kiếm thị trường và khách hàng mới v..v. Điều này càng đặt ra những yêu cầu cao hơn với doanh nghiệp trong việc chủ động xác định nhu cầu của riêng mình để từ đó xây dựng cơ chế cho dữ liệu đầu vào, xử lý dữ liệu và tìm kiếm đối tác. 
Hai vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong buổi trao đổi từ cả phía diễn giả và phía doanh nghiệp cũng như startup tham gia sự kiện là không một doanh nghiệp /startup nào có thể phát triển trong một hệ sinh thái còn thiếu nhiều yếu tố và đặc biệt là tư duy của nhiều doanh nghiệp về làm lớn và ứng dụng công nghệ còn hạn chế như hiện nay. Mặt khác, trong ứng dụng công nghệ 4.0, doanh nghiệp và startup Việt Nam đang tồn tại những điểm yếu mang tính cốt tử như phần cứng, khâu thiết kế, khả năng cung ứng, kết nối với các doanh nghiệp và xây dựng văn hóa làm việc có niềm tin lẫn nhau. 
So với tâm lý tìm hiểu thắc mắc từ phía doanh nghiệp của chuỗi Hi- Tech Konec 2017, thì năm nay, mức độ quan tâm của doanh nghiệp sâu sắc hơn và đặt ra những câu hỏi gắn mật thiết với nhu cầu của doanh nghiệp, những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải. Sau phần trao đổi với các diễn giả, các doanh nghiệp tập trung nêu ra vấn đề trong ngành logistics mà mình đang gặp phải ví dụ tự động hóa toàn bộ quy trình trong doanh nghiệp khi phải tương tác với quá nhiều phần mềm khác nhau trên các môi trường khác nhau, hay những vướng mắc về tương tác và tích hợp vào hệ sinh thái khi phát triển nền tảng công nghệ.
Kết thúc buổi sáng, các startup tham gia có 1 phút pitching về giải pháp để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và cung cấp thông tin để có thể diễn ra buổi matching buổi chiều. 
Hoàn thành 1 ngày sự kiện, HiTech Konec tiến hành 24 cuộc kết nối giữa doanh nghiệp và startup. Nhận xét về sự kiện từ phía doanh nghiệp: “… nên có những sự kiện như thế này thường xuyên để dù có những công nghệ so với thế giới là mới mẻ, nhưng DN chưa hề nghe tới, và điều đó là cần thiết để giúp doanh nghiệp tự cập nhật với các xu hướng và ứng dụng công nghệ mà chính các bạn startup lại đang nắm giữ nhiều công nghệ trong số đó…”- Anh Hà Mạnh Cường – Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Logistics Đông Dương.
Tiểu ban Kết nối Đầu tư xin chân thành cám ơn eSpace Coworking Space - Số 1 Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tài trợ địa điểm tổ chức sự kiện Hi- Tech Konec 2018. 
Tiểu ban Kết nối Đầu tư (KisStartup) – Techfest 2018.
#Techfest2018
#Hi_Tech_Konec
#logistics_công_nghiệp_hỗ_trợ
#KisStartup_tiểu_ban_đầu_tư

Tác giả: 
KisStartup

Hơn 30 cuộc gặp gỡ diễn ra tại Mini Matching 01 - Chuỗi sự kiện kết nối đầu tư trước Techfest Vietnam 2018 do KisStartup thực hiện

Ngày 30/10 tại VCCI đã diễn ra hoạt động Mini Matching 01 – Kết nối đầu tư trước Techfest Vietnam 2018. Tiểu ban Kết nối đầu tư tại Techfest Vietnam 2018 do KisStartup thực hiện.  Với tiêu chí linh hoạt và tạo điều kiện gặp gỡ trao đổi tối đa cho các startup và nhà đầu tư, hoạt động Mini Matching 01 tiến hành cả trực tuyến và ngoại tuyến với tổng số 34 cuộc gặp. Số lượng startup từ các vùng miền khác tham gia đa dạng, các dự án làm thật, có những sản phẩm tốt và thực sự đang có nhu cầu vốn.

Minimatching 01 - Nằm trong chuỗi sự Kết nối đầu tư trước Techfest diễn ra tại Hà Nội ngày 30/10 vừa qua là sự một phần của hoạt động kết nối đầu tư trong Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Techfest Vietnam 2018 (29/11 -01/12/2018). Techfest 2018 được chỉ đạo bởi Ban kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND thành phố Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng nhiều cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trên toàn quốc. Trong đó, hoạt động Kết nối đầu tư được giao cho đơn vị KisStartup trực tiếp thực hiện với đơn vị tài trợ địa điểm Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Khác với mọi năm, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại buổi Mini Matching 01 tập trung ở Hà Nội, năm 2018, số lượng startup từ các vùng miền khác tham gia đa dạng hơn. Như nhận xét của nhiều nhà đầu tư, các dự án làm thật, có những sản phẩm tốt và thực sự đang có nhu cầu vốn.

Trong đó, số lượng dự án chắc chắn nhận đầu tư là 02, số lượng dự án trở thành đối tác hợp tác tiềm năng là 04, có 08 dự án đang được cân nhắc đầu tư. Tham gia trong vai trò nhà đầu tư không chỉ có các nhà đầu tư thiên thần, mà còn có các đại diện của các quỹ đầu tư, các chương trình hỗ trợ tìm kiếm các ứng viên tiềm năng cho hoạt động ươm tạo, tăng tốc và tiền tăng tốc.

Tuy nhiên qua 34 phiên kết nối cũng có thể thấy những khoảng cách giữa nhu cầu vốn và ngân sách đầu tư của các nhà đầu, quỹ đầu tư. Trong khi nhóm startup quy mô vừa phải với nhu cầu vốn khoảng từ 20.000 USD đến 200.000 USD thì có những quỹ đầu tư tìm kiếm những startup ở trình độ phát triển cao hơn với khả năng hấp thụ vốn cao hơn rất nhiều.

“Khẩu vị” của các nhà đầu tư cũng có nhiều thay đổi so với năm 2017. Trong khi năm 2017, startup được quan tâm tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) thì năm 2018, số lượng startup trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp lại chiếm tỷ trọng không nhỏ.

Một thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng trong quá trình kết nối đã trở thành khách hàng của startup. Điều đó phản ánh nhu cầu kết nối doanh nghiệp với startup để bán hàng, giới thiệu giải pháp song song với hoạt động kết nối đầu tư.

Tiếp nối thành công của Techfest Vietnam 2017 với tổng số 170 cuộc kết nối đầu tư sâu từ trước và trong sự kiện và tiền có cam kết đầu tư trong vòng 3 tháng lên tới trên 700.000 USD, 29 vụ đầu tư trong đó được cam kết với tổng giá trị đến hơn 4,5 triệu USD, Ban tổ chức kỳ vọng trong đợt kết nối thứ hai, với tên gọi Mini Matching 02 – Kết nối đầu tư trước Techfest Vietnam 2018 diễn ra vào ngày 06/11 tới đây, sẽ có 40 cuộc kết nối được thực hiện./.

Tác giả: 
KisStartup

KisStartup tham gia Tổ chức Techfest2018

Từ tháng 9.2018, KisStartup sẽ tiếp tục đồng hành tổ chức TechFest 2018 - Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc Gia. Trải qua 03 năm phụ trách hoạt động kết nối đầu tư trước, trong và sau sự kiện, KisStartup đã dần trưởng thành và đóng góp tích cực vào thành công của Techfest. 
Chuỗi sự kiện TechFest (TechFest vùng, các chuỗi hoạt động diễn ra trước, trong và sau) trong khuôn khổ TechFest 2018 góp phần hình thành Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST quốc gia. 
Ngày hội ĐMST Quốc Gia - Quy mô Quốc Tế sẽ được diễn ra từ ngày 29/11 đến 01/12 năm 2018 tại TP Đà Nẵng.
Tiểu ban Kết nối đầu tư do KisStartup phụ trách tại TechFest năm nay sẽ diễn ra với chuỗi hoạt động như sau:

1. HiTechKonec:  Kết nối doanh nghiệp lớn với các startup với những giải pháp công nghệ vượt trội. Chúng tôi phối hợp với các làng công nghệ tại Techfest để giới thiệu những startup có tiềm năng, những giải pháp tốt đang được thị trường đón nhận. 

Sự kiện dự kiến được tổ chức ở cả HN và HCM vào tháng 10.2018 và tháng 11.2018.

Ai nên tham gia sự kiện?

  • DN lớn, doanh nghiệp vừa, quan tâm đến đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo trong tổ chức, đầu tư cho startup và/hoặc đặt hàng với các startup.
  • Startup có chất lượng có khả năng cung cấp các giải pháp đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Để có thêm thông tin về sự kiện, hãy gọi cho chúng tôi số: 097 813 78 94

2. Kết nối đầu tư: 

  • Lễ ra mắt sàn kết nối đầu tư investmatch.net với những tính năng mới: http://www.investmatch.net 
  • 02 sự kiện Mini Matching diễn ra ở Hà Nội và HCM 
  • 01 sự kiện kết nối đầu tư chính thức tại sự kiện Techfest2018 tại Đà Nẵng diễn ra ngày 30.11.2018

Các sự kiện kết nối đầu tư nhắm tới xây dựng kênh kết nối tin cậy dài hạn giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các startup trong và ngoài nước. Việc gặp gỡ là tiền đề cho phát triển các hoạt động đầu tư sau đó. 

Các nhà đầu tư quan tâm có thể đăng ký tài khoản và xem hồ sơ của những startup tiềm năng. Các startup cũng có thể đưa thông tin và cập nhật hồ sơ của mình trên investmatch.net

Hãy tham gia ngày hội khởi nghiệp quốc gia lớn nhất để gặp gỡ các nhà đầu tư, các chuyên gia và các startup với những giải pháp đang góp phần thay đổi diện mạo của Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế

Chào đón bạn đến Techfest2018 cùng KisStartup team, 

Hãy liên tục cập nhật trên Website và Facebook của chúng tôi để có những thông tin sự kiện mới nhất 

Trân trọng, 

KisStartup

 

Tác giả: 
KisStartup