cộng đồng nhà đầu tư

Kết nối đầu tư tại Techfest tập trung nhiều hơn vào phát triển cộng đồng nhà đầu tư bản địa

Bài trả lời phỏng vấn của Báo Khoa học & Phát triển của Sáng lập KisStartup về phát triển cộng đồng nhà đầu tư bản địa và gia tăng kết nối đầu tư có chiều sâu

---

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cần có sự phát triển một cách chiến lược và bài bản một cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Trưởng ban Kết nối đầu tư của TECHFEST 2017, 2018.

Đây là năm thứ ba chị phụ trách Tiểu ban Kết nối đầu tư tại Techfest, chị đã theo dõi kết quả hoạt động kết nối đầu tư năm ngoái như thế nào và chị có những kỳ vọng gì với hoạt động kết nối đầu tư năm nay?

Năm ngoái, chúng tôi đo lường hoạt động kết nối giữa các nhà đầu tư và startup cả ở trong và sau sự kiện. Trong đó, ngay sau khi kết thúc phiên kết nối tại sự kiện, chúng tôi có phát phiếu khảo sát ý kiến nhà đầu tư trên ba phương diện quan trọng. 

Một là mức độ sẵn sàng của startup Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư. Có thể startup của mình rất tự tin, đánh giá độ sẵn sàng của mình là 8.8/10 nhưng nhà đầu tư lại chấm điểm thấp hơn thế rất nhiều. Thứ hai là họ có những góp ý gì để phát triển các startup. Thứ ba là họ có cân nhắc đầu tư không? Chỉ khảo sát ở mức độ cân nhắc, vì chúng ta không mong nhà đầu tư bỏ tiền ngay ra chỉ sau một cuộc gặp 30 phút.

Sau Techfest, Tiểu ban cũng theo dõi startup và nhà đầu tư, email và gọi điện cho họ để xem có nhận đầu tư hoặc đầu tư ai không, với số lượng bao nhiêu. Tuy cũng có những trường hợp nhà đầu tư quyết định rót tiền ngay, ví dụ như sau Mini matching năm nay (một trong các hoạt động trước Techfest 2018 dành cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ở Hà Nội), nhưng khoản đầu tư thường cũng không phải là quá lớn.

Năm ngoái, có gần 200 startup tham gia kết nối đầu tư (cả tại sự kiện và thông qua cổng thông tin online investmatch.net). Techfest 2017 có 29 thương vụ cân nhắc đầu tư với trị giá 4.5 triệu USD. Cũng dừng lại ở mức độ cân nhắc vì với Techfest, không nên kỳ vọng theo kiểu kết thúc sự kiện là có khoản đầu tư mấy triệu đô đầu tư ngay lập tức.

Bản thân Techfest là một sự kiện, là bước ngoặt để startup chứng minh năng lực và tương tác với nhà đầu tư. Chúng ta cần hiểu, đây chính là thời điểm các startup tỏa sáng sau khi chứng minh mình với thị trường, sau thời gian ươm tạo, tăng tốc, do đó việc liên kết giữa Techfest với hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng cần thiết, cần phải có những giai đoạn chuẩn bị để startup tối đa hóa được các cơ hội có ở Techfest.

Theo quan điểm của tôi thì không nên đặt gánh nặng quá lớn vào Techfest theo cách ‘đầu tư triệu đô’, mà là sự kiện quan trọng ghi nhận một bước ngoặt lớn sự phát triển của các startup và mở ra những cơ hội mới trên bình diện quốc tế cho startup, vì Techfest là sự kiện hướng đến tầm quốc tế, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và khu vực. Mức độ quan tâm của các bên cũng có thể phản ánh được sự trưởng thành của hệ sinh thái.

Vậy mức độ quan tâm của nhà đầu tư với sự kiện này như thế nào trong năm ngoái và năm nay, theo điều tra của chị?

Năm ngoái, tinh thần của nhà đầu tư trong nước có vẻ tốt, tiểu ban của chúng tôi gặp được nhiều người rất sẵn lòng bỏ tiền đầu tư. Năm nay mối quan tâm của những nhà đầu tư trong nước vẫn còn và cũng xuất hiện những gương mặt mới. Hơn nữa năm nay, có những nhà đầu tư và các quỹ mạo hiểm có những mối quan tâm đặc biệt, chẳng hạn như về nông nghiệp và tạo tác động cộng đồng.

Những nhà đầu tư và người sáng lập những quỹ này đều là các chủ doanh nghiệp lớn, giờ đây muốn “đóng góp lại cho xã hội” và tìm kiếm cơ hội mới nên họ muốn giúp đỡ những người trẻ và quan tâm đến những dự án kiểu như vậy. Đây cũng là điểm hay vì chúng ta cũng cần những câu chuyện như vậy bên cạnh những chủ đề chỉ xoay quanh Công nghệ và Công nghệ thông tin.

Trước khi Techfest diễn ra, Tiểu ban Kết nối đầu tư thường tổ chức sự kiện Hi-Tech Konec để kết nối giữa những startup có công nghệ mới với những doanh nghiệp đã trưởng thành ở quy mô lớn và vừa. Điều này có liên quan gì đến công việc kết nối đầu tư mà chị phụ trách?

Đầu tư cho startup có hai loại, ngoài nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm chúng ta vẫn thấy, còn có corporate innovation (đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp lớn) mà các tập đoàn này có thể đầu tư, mua lại hoặc đặt hàng cho startup.

Tuy nhiên, đấy là khái niệm mới đối với nhiều tập đoàn và doanh nghiệp, nên nếu không cho họ gặp riêng các nhóm công nghệ mà cứ mời các doanh nghiệp đi đến Techfest để làm nhà đầu tư chưa chắc các doanh nghiệp đã sẵn sàng bởi bản chất, không phải doanh nghiệp nào cũng hướng đến hoạt động đầu tư mang tính mạo hiểm.

Qua Hi-Tech Konec có thể thấy bắt đầu xuất hiện nguồn đầu tư theo hình thức này. Đó là các chủ doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ qua các startup đang cung cấp giải pháp cho ngành nghề của họ. Nhiều khi startup cũng không cần đầu tư mà họ cần người đồng hành trong quá trình phát triển thị trường hoặc hoàn thiện mô hình kinh doanh.

Cũng có trường hợp, startup rất giỏi công nghệ nhưng lại không biết công nghệ đấy dùng để giải quyết vấn đề gì trên thị trường, trong khi đó doanh nghiệp sẽ nhìn rất rõ vì họ là người đang thiếu công nghệ. Nhiều chủ doanh nghiệp lúc đầu định mua giải pháp của startup, tức là đặt hàng thôi thì sau lại trở thành nhà đầu tư, đây là cái thú vị ở Hi-Tech Konec vừa rồi. Kết thúc Hi-Tech Konec đã có một thương vụ doanh nghiệp mua lại một phần cổ phần của startup để cùng nhau tập trung phát triển thị trường mới, tuy nhiên, hai bên đều chưa muốn công bố.

Vậy startup ở Việt Nam có thể tìm kiếm hình thức đầu tư này từ các doanh nghiệp lớn?

Bắt đầu có sự quan tâm của các tập đoàn lớn quan tâm đầu tư vào startup, nhưng hiện nay chỉ dừng ở mức quan tâm và tìm hiểu giải pháp. Cảm nhận của tôi qua cả Hi-Tech Konec và Mini Matching về doanh nghiệp lớn đến với chúng tôi là họ chưa thực sự sẵn sàng.

Doanh nghiệp lớn trong nước chuyển động tương đối chậm trong việc đầu tư vào đổi mới sáng tạo thông qua startup. Có nhiều lý giải cho vấn đề này, một là vẫn tồn tại những rào cản về sự hiểu biết lẫn nhau, hai là, bản thân các tập đoàn lớn chưa coi việc đổi mới sáng tạo là sức ép lớn và ba là, doanh nghiệp lớn có thói quen tự làm lấy mọi thứ do họ có sẵn nguồn lực, họ chỉ sử dụng và/hoặc tìm kiếm giải pháp từ bên ngoài khi thực sự mình không thể làm được hoặc làm không hiệu quả.

Ví dụ là Ami (startup cung cấp công nghệ để quản lý các tòa nhà) được giải Nhất trong cuộc thi của Techfest 2017 năm ngoái. Trước khi tham dự Techfest, khi doanh nghiệp đang tham gia một chương trình của Malaysia, sản phẩm đang ở giai đoạn nghiên cứu phát triển, đã có những doanh nghiệp của Malaysia quan tâm So với doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp ở khu vực có độ nhạy bén với công nghệ mới cao hơn rất nhiều. Trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam với thái độ dè dặt và có phần hoài nghi với năng lực của những startup cho dù trong rất nhiều trường hợp, mặc dù ở thế hệ 8x, 9x, nhiều startup đang nắm giữ những công nghệ có tiềm năng tạo ra thay đổi lớn về hiệu suất.

Điểm sáng qua Techfest 2017 chính là sau Techfest, Bình Minh Group đầu tư vào Ami cũng từ rất sớm (BMG Ami hiện đang cung cấp công nghệ IoT và quản lý dân cư ở nhiều khu đô thị trong nước và nước ngoài). Chúng tôi mong các tập đoàn trong nước có thể thấy một thông điệp từ trường hợp của BMG và Ami rằng nếu họ không thực sự chuyển mình thì có thể sẽ mất rất nhiều cơ hội.

Sự kiện Hi tech Konec 2018 nhằm giới thiệu những công nghệ mới trong hai ngành logistics và nông nghiệp của startup đến doanh nghiệp đã trưởng thành vừa và nhỏ. Diễn giả tham dự là anh Trần Mạnh Huy (giám đốc công ty VBPO, chuyên làm dịch vụ outsourcing cho các doanh nghiệp nước ngoài) và Trần Quang Cường (CEO của công ty Nexfarm, ứng dụng các công nghệ mới như bigdata, AI trong nông nghiệp).

Tuy nhiên, các startup thực sự giờ đây đều có thể kêu gọi từ nhà đầu tư nước ngoài. Và cũng có nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng bây giờ là mở cửa, thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vậy thì, việc xây dựng cộng đồng nhà đầu tư trong nước có quan trọng không?

 

Chúng tôi có hỏi kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư hoặc xây dựng các chương trình, mạng lưới đầu tư về việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người chia sẻ rằng, trên thực tế, ngay tại Mỹ, việc bay sang thành phố khác để đầu tư cũng đã hạn chế, vì rất khó theo dõi. Vậy nên việc họ bay nửa vòng trái đất sang để bỏ tiền đầu tư thì đúng là… rất rất khó.

Khoảng cách địa lý vốn đã một cản trở rất lớn do đó, có hai hướng khai thác một là từ cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài có chiến lược nhắm vào thị trường Việt Nam, và hướng thứ hai là phát triển cộng đồng nhà đầu tư trong nước. Hướng thứ 2 này vô cùng quan trọng để phát triển một hệ sinh thái bền vững.

Tuy nhiên, như đề cập ở trên, trong hoạt động đầu tư năm nay, chúng tôi quan sát thấy, một số gương mặt đầu tư của năm ngoái không tham gia hoạt động kết nối đầu tư nữa. Họ chia sẻ rất thành thật rằng, một trong những nguyên nhân là… hết tiền và vì đã thất bại nhiều trong năm vừa rồi. Điều này phản ánh một thực tế là chúng ta còn thiếu những hoạt động đầu tư chuyên nghiệp cho khởi nghiệp sáng tạo.

Chấp nhận rủi ro là điều cần thiết trong hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo và thành công không thể đến ngay. Thực tế này cũng phản ánh nhu cầu phải có hoạt động phát triển mạng lưới nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khởi nghiệp sáng tạo một cách bài bản từ chính sách vĩ mô đến các hoạt động của các tổ chức hỗ trợ, kết nối. Muốn phát triển cộng đồng nhà đầu tư đóng góp cho sự phát triển của startup thì trong năm tới đây là nhiệm vụ rất nghiêm túc.

Năm ngoái chúng tôi thử nghiệm bằng chương trình chia sẻ kinh nghiệm đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của những nhà đầu tư bản địa cho nhiều kinh nghiệm nhưng do ít người tham dự nên chúng tôi quyết định tổ chức sau Techfest. Mức độ quan tâm sau Techfest nâng cao vì trước đó, khái niệm còn mới mẻ.

Trên thực tế, việc phát triển cộng đồng nhà đầu tư gặp nhiều rào cản về tư duy. Không ít các nhà đầu tư cho rằng mình đã là chủ doanh nghiệp có những thành công nhất định, không cần phải đào tạo. Nhiều nhà đầu tư chỉ sở hữu 10-20% cổ phần nhưng can thiệp quá sâu vào hoạt động của startup. Những cách đầu tư thiếu chuyên nghiệp sẽ có thể giết chết startup.

Có một số lượng khiêm tốn những nhà đầu tư chuyên nghiệp bản địa cho rằng, đầu tư chuyên nghiệp cũng cần học, đặc biệt là đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo vì có rất nhiều khái niệm mới, cách tiếp cận mới và cần một tư duy mới. Nhà đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phải là người yêu thích sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, tính toán về khả năng thu hồi vốn nhưng cũng cần phải đóng vai trò là người thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo và chấp nhận cuộc chơi dài hạn. Hoạt động truyền thông cần tập trung hơn nữa vào những điểm yếu của nhà đầu tư bản địa cần hoàn thiện.

Làm thế nào để có từng bước phát triển cộng đồng nhà đầu tư chuyên nghiệp trong nước?

Để có điều này thì phải bắt đầu từ cộng đồng cố vấn (mentor) chuyên nghiệp. Nhà đầu tư nên có những trải nghiệm là một cố vấn cho khởi nghiệp sáng tạo để có những hiểu biết nhất định về khởi nghiệp sáng tạo, bởi không làm mentor thì không bao giờ hiểu được đặc thù của startup. Một khi hiểu được startup thì mới đủ dũng cảm và niềm đam mê để đầu tư.

Chúng ta cũng cần giới thiệu những câu chuyện, trải nghiệm của những nhà đầu tư tiên phong, có kiến thức. Những câu chuyện thành công và thất bại của những nhà đầu tư này sẽ giúp truyền cảm hứng, cung cấp kinh nghiệm cho những nhà đầu tư tiềm năng. Từ những thực tế đó, chúng ta sẽ có cơ hội để phát triển những cộng đồng nhà đầu tư lớn hơn trong tương lai.

Tác giả: 
Báo Khoa học & Phát triển