khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Khởi nghiệp: Bắt đầu từ giáo dục thái độ tự lập

Chuyên mục về khởi nghiệp xuất hiện từ cách đây chưa lâu tulaptrên Tạp chí Tia Sáng nhưng đã có không ít bài viết hữu ích nhờ những đóng góp tâm huyết của một cộng tác viên rất mới, Nguyễn Đặng Tuấn Minh. Trong số đặc biệt kỷ niệm 25 năm thành lập Tạp chí, chị chia sẻ về cơ duyên đến với Tia Sáng: đơn giản bắt đầu từ một cuốn sách cho trẻ em.

Khởi nghiệp, cụm từ gần đây được ngành ngành, nhà nhà nhắc đến nhiều như một trào lưu thời thượng, dễ khiến những ai đang làm việc liên quan đến nó đều tự nhiên thấy mình đặc biệt. Là một người khởi nghiệp và thất bại nhiều lần, động lực khiến tôi nhận lời viết về Khởi nghiệp trên Tia Sáng bắt đầu từ một buổi tối khi cầm trên tay cuốn sách nhỏ cho trẻ em này. 

Khi nhìn bìa cuốn sách, bạn sẽ thấy thật thú vị vì cuốn sách kể câu chuyện về hai cô cậu quyết định kinh doanh để tự mua găng tay đánh bóng chày và tham gia trại hè bóng đá. Bạn sẽ cùng các nhân vật chập chững đi vào kinh doanh bằng những định nghĩa vô cùng thú vị về quảng cáo, về mô tả sản phẩm dịch vụ, về cách đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng và đàm phán. Và khi đọc đến trang cuối của cuốn sách nhỏ cho trẻ em này, có thể cũng như tôi, bạn sẽ ngộ ra rằng, xây dựng một văn hóa quốc gia khởi nghiệp hay gì đó tương tự thường bắt đầu từ những thứ căn bản, gốc rễ sâu xa, đơn giản nhưng không dễ: đó là nỗ lực của cả một hệ sinh thái ở nhiều cấp độ mà nhà trường và gia đình là những cái nôi quan trọng nhất. Khi trẻ em được giáo dục thái độ tự lập trong cuộc sống và học cách kiếm đồng tiền chân chính từ sức lao động của mình, tinh thần khởi nghiệp mới có rễ sâu gốc bền. 

Lần lại tuổi thơ Bill Gates hay Mark Zuckerberg, có thể thấy họ không bỗng nhiên trở thành thiên tài. Họ luôn chủ động, không ngừng khám phá, có trách nhiệm với đồng tiền kiếm được và nghiêm túc trong đầu tư thời gian công sức vào công việc kinh doanh. Một nền văn hóa giáo dục khuyến khích sự chủ động mới có thể đẻ ra những triệu phú 9 tuổi ở Mỹ (chuyên kinh doanh kẹo)1

Tôi lại ngẫm thêm rằng, nếu những cuốn sách này được đưa vào trường học cho trẻ em sớm hơn, có lẽ những sinh viên, doanh nhân khởi nghiệp 22 tuổi tôi gặp sẽ có thể tự tin bước vào công việc kinh doanh mà không ngơ ngác đi tìm những ước mơ Zuckerberg. Các em có thể trở thành những doanh nhân tốt hơn, có trách nhiệm hơn như hai bạn nhỏ trong câu chuyện, quan sát chính nhu cầu xung quanh và thế mạnh của bản thân để có thể đưa ra những sản phẩm dịch vụ hữu ích cho cuộc sống. Trong suốt câu chuyện khởi nghiệp của hai đứa trẻ 9 tuổi, không hề có bóng dáng can thiệp của các bậc cha mẹ. Họ xuất hiện duy nhất một lần trong đoạn thoại khen ngợi những đứa trẻ hợp tác tốt với nhau. Cha mẹ quan sát, tạo ra những giới hạn cần thiết và họ đánh giá cao sự độc lập tự chủ của trẻ. 

Ở một đất nước mà một đứa trẻ nhỏ được chăm bẵm đến 22 tuổi vẫn chưa hết là “thằng bé”, “con bé” được bao cấp và chăm chút từng li từng tí, khi ra trường vẫn không chủ động kiếm tiền, sống ỷ lại vào bố mẹ, rồi gia đình phải dồn tiền của chạy công chạy việc, thì khuyến khích tinh thần tự khởi sự kinh doanh, dù có thể chỉ là khởi sự bằng một quán trà đá vỉa hè để tự nuôi sống bản thân, đồng nghĩa với thay đổi tư duy hoàn toàn trong mỗi công dân trẻ, khiến họ có ý thức độc lập tự chủ và tự quyết cuộc đời mình, là điều hết sức quan trọng.

Ở một đất nước mà còn quá nhiều người phụ nữ ở nông thôn vừa phải đối mặt với nguy cơ bạo hành, vừa phải làm trụ cột gia đình về kinh tế, dạy dỗ con cái, thì khuyến khích khởi sự kinh doanh để họ có thể chủ động thay đổi cuộc đời mình, cũng là điều rất cần thiết. 

Và vì vậy, thay vì nhận mình đang tham gia vào “phong trào khởi nghiệp”, tôi nghĩ đơn giản, viết lách cùng với những công việc hỗ trợ khác cho khởi nghiệp đồng nghĩa với góp phần xây dựng văn hóa khuyến khích sự độc lập sáng tạo và tinh thần doanh nhân trong mỗi con người. Là một người đang vận hành một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, với vai trò là một giảng viên đang hỗ trợ sinh viên học kinh doanh, tôi cũng mong muốn làm tốt từ những công việc rất nhỏ, đó là viết những gì thật đơn giản và thiết thực để mọi người đều có thể sử dụng những kiến thức đó một cách hiệu quả nhất, chia sẻ những gì chân thành nhất và lắng nghe để học hỏi được nhiều nhất. 
——–
1 http://www.doanhnhansaigon.vn/ chan-dung-doanh-nhan/nhung-doanh-nhan-nho-tuoi-nhat-the-gioi/1082057/

Bình luận - Sự kiệnSách khởi nghiệpTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

…”thousand miles starts with single step”

2015, cùng 11 anh chị em khác, chúng tôi nhóm Innovation Coach đầu tiên được IPP “ném” vào một dự án đầy thách thức và thú vị, trở thành những Huấn luyện viên cho các startup được IPP cấp vốn mồi. Vào thời điểm đó rất nhiều khó khăn từ chính những người trong cuộc và không ít những băn khoăn của cả nhóm. Những người chưa bao giờ làm HLV, chưa bao giờ thực hành trực tiếp với doanh nghiệp mảng coaching (một khái niệm còn rất mới mẻ) ở Việt Nam lúc đó. Startup thì hoài nghi không rõ mình được gì từ những huấn luyện viên cụ thể là tôi – quá trẻ này. Chúng tôi nhận được không ít băn khoăn từ cả những người ngoài cuộc, những người quan sát nhóm 12 người chúng tôi. Tạm gác lại những băn khoăn này, ngoài Hà Nội, chiều thứ 3 nào cứ 2h trong suốt 6 tháng trời làm việc với các startup, chúng tôi lại gặp nhau để chia sẻ những khó khăn và học hỏi được từ startup và cả niềm vui khi có những kết quả tích cực.Tôi không muốn nói nhiều về kết quả, chỉ muốn nói rằng, với chúng tôi đó là một trải nghiệm vô cùng quý giá và hữu ích.

 

KisStartup-Coaching-002

Hơn 2 năm qua, cảm giác Coaching startup lần nào với tôi cũng mới mẻ và rất thú vị. Nhưng lúc nào tôi cũng cố gắng như lần đầu tiên, ngẫm nghĩ thật lâu về mô hình kinh doanh, về khách hàng và cả chính founder của nhóm, rồi bắt bản thân suy nghĩ tìm kiếm một câu hỏi hay để startup phải suy nghĩ về vấn đề của mình. 

 

Một ngày cuối năm, khi các thành viên của KisStartup đã về ấm cúng trong gia đình, mở gói quà Tết của startup đầu tiên mình huấn luyện, dẫu biết phần đóng góp của mình vào thành công hôm nay của các anh chị là rất nhỏ, nhưng 6 tháng đó đã thay đổi rất nhiều cả EzCloud và cả tôi. Và nhìn những chiếc lì xì bé xíu mang biểu tượng những quốc gia mà startup này đã đặt những bước chân đầu tiên lên, tôi có những cảm xúc rất khó tả. Thực sự là dù là tôi, là EzCloud hay những nỗ lực vì một Việt Nam năng động và sáng tạo hơn, thì cũng phải bắt đầu từ những bước chân vững chãi đầu tiên và sẽ thật tuyệt vời nếu bước đi đầu tiên ấy bạn có những người đồng hành trưởng thành cùng thành công của bạn. Đó có lẽ cũng là điều tôi ngẫm thấy từ vai trò của một HLV startup.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup 

 

KisStartup InnovationPosted on Categories Bình luận - Sự kiệnHUẤN LUYỆN VIÊN KHỞI NGHIỆP - COACHTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Mua lại khởi nghiệp sáng tạo để tái sinh doanh nghiệp

(BĐT) – Đổi mới sáng tạo thông qua hình thức mua lại (acquiring innovation) vốn không phải là một khái niệm mới. 2.000 thương vụ mua lại của Apple với các công ty/dự án khởi nghiệp sáng tạo là một bằng chứng cho thấy, bên cạnh việc tự tạo ra những đổi mới sáng tạo ngay trong chính doanh nghiệp (DN), đổi mới sáng tạo có thể thực hiện qua việc mua lại các khởi nghiệp sáng tạo.

quilt-1

Những công ty công nghệ lớn như Apple, Google, Facebook thường mua lại khởi nghiệp sáng tạo để phát triển doanh nghiệp

Khởi nghiệp sáng tạo nằm trong tầm ngắm của doanh nghiệp lớn

Những tập đoàn công nghệ như Apple, Google, Facebook cùng những thương vụ mua lại các startup liên tục thời gian qua đang đặt ra câu hỏi: phải chăng việc mua lại khởi nghiệp sáng tạo chỉ xảy ra với những công ty công nghệ lớn? Vậy những DN không phải là công ty công nghệ nằm ở đâu trong câu chuyện này?

Ở Việt Nam, sự xuất hiện nhiều hơn của các tập đoàn lớn, các DN trong bức tranh hệ sinh thái khởi nghiệp đang là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng của xu hướng đổi mới sáng tạo qua mua lại khởi nghiệp sáng tạo này, khi mà đổi mới sáng tạo của DN đứng trước rất nhiều thách thức do môi trường kinh doanh không ngừng biến động và khó đoán định. Vậy các DN thường mua gì từ các khởi nghiệp sáng tạo? Tại sao cần có mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các DN khởi nghiệp sáng tạo và các tập đoàn lớn, các DN?

Trước hết, lý do để các khởi nghiệp sáng tạo nằm trong tầm ngắm của các DN lớn là vì với việc mua lại những DN khởi nghiệp sáng tạo, các DN/tập đoàn có thể mua lại những đổi mới sáng tạo xoay quanh những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh có sẵn. Theo đó, nếu một DN đã có sẵn mô hình kinh doanh, thì việc có thêm những đổi mới sáng tạo cho những sản phẩm, dịch vụ mới không nhất thiết phải đi từ bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D). Bởi, khi việc mua lại một khởi nghiệp sáng tạo sẽ nhanh hơn rất nhiều, thì việc biến khởi nghiệp sáng tạo thành bộ phận R&D của DN là một lựa chọn không tồi để giải quyết vấn đề về thời gian và chi phí.

Lý do thứ hai, việc mua lại những đổi mới sáng tạo cho phép các tập đoàn gia nhập thị trường mới gần với thị trường đã có. Điển hình như trường hợp của Facebook mua lại Instagram để mở rộng sang thị trường gần gũi với họ là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh. Thay vì phải cạnh tranh và chia sẻ người dùng, Facebook đã tận dụng được thế mạnh của việc mua sắm này, giúp việc người dùng chuyển đổi thói quen từ Facebook sang Instagram hoặc ngược lại đều có lợi cho họ.

Lý do thứ ba, việc mua lại những công ty với sản phẩm đổi mới sáng tạo đột phá hoặc mô hình kinh doanh đột phá sẽ tạo điều kiện để các tập đoàn, DN phát triển thành những công ty tỷ USD. Mặc dù là hình thức hấp dẫn nhất, nhưng đây là hình thức đòi hỏi đầu tư lớn và tầm nhìn dài hạn. Việc Google mua lại Youtube hay Ebay mua lại Paypal đều chứng minh được tính đúng đắn của các quyết định mua lại.

Bên cạnh đó, việc mua lại các khởi nghiệp sáng tạo còn giúp các DN tiếp cận các tài sản sở hữu trí tuệ; bổ sung nguồn nhân lực; mua toàn bộ công ty, doanh thu và số lượng người dùng mà khởi nghiệp sáng tạo đã tạo dựng được…

Chủ động trong tìm hiểu các công nghệ mới

Tại Việt Nam, trong khi rất nhiều khởi nghiệp vốn xuất thân là các kỹ sư, lập trình viên giỏi còn đang loay hoay với bài toán thị trường, phân khúc khách hàng và mô hình kinh doanh, thì nhiều DN lại gặp khó khăn trong việc áp dụng những công nghệ mới vào bài toán cũ của DN. Việc mua lại cũng đã diễn ra nhưng còn khá khiêm tốn về số lượng và quy mô. Nhiều DN mới đặt vấn đề mua lại khởi nghiệp để giải quyết vấn đề nhân sự về công nghệ.

Trong một chuyến đi đến Việt Nam, khi nói chuyện với các DN du lịch về đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, Jeff Hoffman, tỷ phú Mỹ, người đầu tư cho rất nhiều khởi nghiệp sáng tạo đình đám có chia sẻ: Hãy bước chân ra bên ngoài, nhìn nhận và học hỏi những xu hướng công nghệ mới, thậm chí là cả những công nghệ tưởng như không có mối liên quan nào tới ngành nghề của DN. Đổi mới sáng tạo sẽ nảy sinh từ những quan sát, hiểu biết và liên tưởng đó. Sâu xa trong lời khuyên đó chính là nếu DN thực sự muốn đổi mới sáng tạo, hãy chủ động hơn trong việc tìm hiểu các công nghệ mới – mà không ai khác chính các khởi nghiệp sáng tạo là người đang nắm giữ và đi tiên phong trong những xu hướng này.

Không phải ngẫu nhiên Techfest 2017 – sự kiện khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng sắp chứng kiến sự xuất hiện chính thức của hoạt động kết nối các DN vừa với khởi nghiệp sáng tạo và thu hút mạnh mẽ hơn các DN tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó cũng là một tín hiệu tốt, đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ hơn của những DN vào câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo xuất phát từ chính nhu cầu đổi mới sáng tạo của họ. Và biết đâu, trong một thời gian ngắn tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn những vụ mua lại khởi nghiệp sáng tạo từ chính các DN, tập đoàn trong nước – một cú hích quan trọng với hệ sinh thái khởi nghiệp còn khá non trẻ của Việt Nam.

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Nguồn: Báo Đấu Thầu

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Khởi nghiệp sáng tạo: Công nghệ mới cho những vấn đề cũ

(BĐT) – 2017 là năm chúng ta chứng kiến sự sôi động của các câu chuyện về công nghệ tiên phong trong làng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam khi mà số lượng doanh nghiệp (DN)/nhóm khởi nghiệp trong mảng công nghệ 4.0 gia tăng đáng kể.

01_EJGGNhiều DN khởi nghiệp sáng tạo phát triển sang giai đoạn tăng trưởng nhờ tìm ra thị trường thực sự cho sản phẩm, dịch vụ. Các DN này đều có xuất phát điểm khá tương đồng: Những người sáng lập phát triển mô hình kinh doanh từ công nghệ lõi, giải quyết một vấn đề thực tại, tìm ra phân khúc thị trường có vấn đề đó lớn nhất và hình thành nên những sản phẩm, dịch vụ đổi mới. Sau đây là một số mô hình kinh doanh thú vị nhằm giải quyết một vấn đề vốn rất cũ nhưng bằng những công nghệ mới.

Giải bài toán tối ưu đường đi

ABIVIN, một trong các startup thành công nhất năm 2016 đã nhận định, với một thị trường mà chi phí logistics đang thuộc hàng cao nhất thế giới (“chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng trong GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu” – theo Ngân hàng Thế giới), thì cơ hội nằm chính ở những thách thức này.

Xuất phát từ thế mạnh thuật toán về dữ liệu lớn, ABIVIN chỉ thực sự bắt đầu nảy sinh ý tưởng khi có khách hàng đầu tiên gặp vấn đề và tìm đến. Từ đó, DN này đã tìm ra hướng đi thực sự về tối ưu hóa đường đi nhằm giảm thiểu chi phí, rủi ro và thời gian cho các DN trong lĩnh vực giao nhận, thương mại điện tử. ABIVIN tận dụng tối đa các công nghệ và thiết bị đang được sử dụng để giảm thiểu chi phí đầu tư cho DN sử dụng giải pháp và tập trung vào chuyên môn của mình là sử dụng dữ liệu lớn để phân tích và tìm ra đường đi tối ưu.

ABIVIN cũng nhận ra rằng, cái khó không nằm ở thuyết phục DN sử dụng giải pháp, mà chính là làm thật tốt các giải pháp đang có để từ đó mọi người nhận ra lợi ích của giải pháp. Mặt khác, với số lượng khách hàng đang tăng lên thuộc các nhóm quy mô khác nhau, trước mắt, việc phục vụ tốt những khách hàng lớn là nền tảng quan trọng để phát triển những giải pháp mang tính đại trà phục vụ nhiều hơn các DN ở quy mô khác nhau.

Công nghệ hỗn hợp trong quản lý nhà cho thuê

Bài toán giải quyết vấn đề thất thoát điện nước, thiếu minh bạch trong giá cả sinh hoạt phí của thị trường nhà cho thuê gây khó cho cả chủ nhà và người thuê nhà. Tình trạng này đang được một nhà khởi nghiệp sáng tạo đáng chú ý năm 2017, quán quân Techfest 2017 – AMI, đưa ra giải pháp rất thuyết phục: Kết hợp giữa việc phát triển phần cứng là các thiết bị kết nối Internet để thu thập và kiểm soát thông tin về điện, nước, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các dữ liệu thu được, từ đó đưa ra những thông tin hữu ích cho người quản lý nhà.

Cộng đồng nhà thông minh AMI ra đời trước tiên là dành cho những người trẻ, muốn tiết kiệm thời gian, công sức thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, muốn có sự minh bạch; những chủ nhà trẻ muốn kiểm soát công việc cho thuê nhà một cách đơn giản nhất, tiết kiệm thời gian nhất.

Việc nắm giữ những thông tin quan trọng xoay quanh một ngôi nhà không chỉ mang lại cho AMI một cộng đồng những người có nhà cho thuê, mà đang mở ra những hướng đi mới trong việc minh bạch hóa và tối ưu hóa nguồn lực khi nắm giữ được thông tin tiêu dùng các sản phẩm cơ bản như điện, nước, Internet – điều mà không chỉ thị trường nhà cho thuê, mà thị trường bất động sản, du lịch đều đang rất cần. Việc nắm thông tin về căn hộ cũng dẫn đến bài toán mới là khả năng tối ưu hóa dung lượng còn trống của các không gian và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Do đó, AMI đã phát triển thêm được cả mảng tối ưu việc cho thuê phòng giúp các chủ nhà và dịch vụ sửa chữa nhỏ những hỏng hóc phát sinh trong quá trình thuê nhà.

Giảm thời gian, chi phí trong lĩnh vực y tế

Ở một đất nước mà thời gian bình quân của một lượt khám bệnh là 10 giờ đồng hồ, ai cũng có thể nhìn thấy vấn đề lớn về y tế và chăm sóc sức khỏe. Song giải quyết bài toán đó bắt đầu từ đâu?

Việc phát triển ứng dụng để kết nối bác sĩ, bệnh nhân, chuỗi nhà thuốc vốn là nỗ lực rất nhiều năm qua cho câu chuyện chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy vậy, bài toán y tế không phải là kết hợp một cách cơ học các thành phần trong hệ sinh thái cung ứng dịch vụ lại với nhau. Do đó, xây dựng một ứng dụng kết nối không giải quyết được vấn đề một cách toàn diện. UDr – một ứng dụng kết nối bác sĩ, bệnh nhân, tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến được phát triển dựa trên nền tảng của một cộng đồng y tế thông minh đã được phát triển trước đó – là một mô hình kinh doanh tiềm năng.

UDr là sự kết hợp các công nghệ khác nhau để giảm thời gian, chi phí cho cả người bệnh và các cấu phần trong hệ sinh thái. Tận dụng những kết nối các thiết bị IoT sẵn có được các bác sĩ chấp nhận với việc phân tích dữ liệu về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thông qua cung cấp thông tin về chỉ số sinh tồn của bệnh nhân theo thời gian thực, kết hợp với mạng lưới các bác sĩ gia đình do một đối tác khác phát triển,  UDr đưa ra những cảnh báo các mối nguy hiểm với sức khỏe của bệnh nhân. Có thể thấy UDr là sự kết hợp linh hoạt giữa trực tuyến và ngoại tuyến, tận dụng các nền tảng công nghệ cũng như hiểu biết sẵn có của thị trường, kết hợp với những giải pháp đang có để hình thành một giải pháp có lợi cho người dùng và mang lại giá trị cho các bên tham gia.

Bài toán cũ + công nghệ mới = những hướng đi mới

Trên thực tế, không một DN nào dừng lại ở một bài toán duy nhất với thị trường. Cơ hội cho DN sẽ có thể mở ra theo nhiều hướng khác nhau, có thể là nhiều cơ hội ở những thị trường mới hoặc ngành có vấn đề tương đồng (trường hợp của ABIVIN); cũng có thể là cơ hội mở ra việc phát triển giá trị gia tăng mới trên nền tảng những gì đang có như AMI, hay UDr. Điểm thú vị khi xuất phát ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam là một khi đã có những người dùng đầu tiên thì chính lợi ích sản phẩm, dịch vụ mang lại để giải quyết những vấn đề vốn tồn tại rất lâu lại là một điểm quan trọng giúp cơ chế marketing bằng giới thiệu truyền miệng trở thành cách hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Một giải pháp ban đầu có thể là nhắm đến những người dùng cuối B2C, nhưng với đặc tính tạo dựng nền tảng, nó hoàn toàn có tiềm năng lấn sân sang thị trường B2B cho DN và ngược lại.

Trong bối cảnh nhiều startup loay hoay với câu chuyện làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm và công nghệ của mình, thì những ví dụ trên chứng minh rằng, những vấn đề thực tiễn xã hội luôn là gợi ý quan trọng để phát triển những giải pháp mới cho bài toán cũ, và cách tiếp cận này sẽ luôn mở ra những hướng đi mới cho DN trong tương lai để phát triển bền vững.

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup