Thông cáo báo chí Diễn đàn Thúc đẩy ĐMST mở trong doanh nghiệp bằng liên kết đầu tư mạo hiểm ĐMST

04/12/23 12:12:18 Lượt xem:

Thông cáo báo chí 

DIỄN ĐÀN

THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO MỞ TRONG DOANH NGHIỆP BẰNG LIÊN KẾT ĐẦU TƯ MẠO HIỂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

                                          

 Ngày 24 tháng 11 năm 2023 

09 diễn giả từ tập đoàn, quỹ đầu tư, startup và chính khách đã quy tụ  tham gia diễn đàn “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp bằng liên kết đầu tư mạo hiểm đổi mới sáng tạo” - Driving Corporate Open Innovation by co-innovating venture investment. Diễn đàn được tổ chức bởi NATEC, MOST - Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN; Làng TECHFEST Corporate Innovation do KisStartup khởi xướng và vận hành; KMT – Công ty cổ phần công nghệ chế tạo Kami vào ngày 24 tháng 11 năm 2023 từ 9:00 – 12:00 tại Hội trường Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, 111 Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, TP HCM.

Diễn đàn nhằm mục đích kéo lại gần hơn các thành phần khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp xoay quanh câu chuyện chính là đổi mới sáng tạo tập đoàn, cơ hội cho các nhà khởi nghiệp, góc nhìn của các quỹ đầu tư, chính khách, đặc biệt trong bối cảnh với những xu hướng mới hình thành như công nghệ sâu giải quyết vấn đề môi trường, cuộc chiến bán dẫn, trí tuệ nhân tạo v.v.. Các tập đoàn, các quỹ và các nhà khởi nghiệp tìm ra những cách thức mới để hợp tác, chia sẻ nguồn lực và để đổi mới sáng tạo. Mỗi lĩnh vực sẽ có những đặc thù và cách làm riêng, song rõ ràng, cần phải có những cách thức liên kết mới, đầu tư mạo hiểm cũng cần có những hình thức mới.

Tại phiên tọa đàm thứ 1 – “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp bằng liên kết đổi mới sáng tạo đầu tư mạo hiểm”, dưới sự điều phối của bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh – CEO KisStartup, trưởng làng ĐMST tập đoàn, các diễn giả từ tập đoàn hóa chất Mitsui Chemicals, Ông Masahito Yano; từ Quỹ  Gobi Partners - Ông Phan Nhật Minh; từ ngân hàng OCB, ông Lương Tuấn Thành; PVOil, ông Vũ Văn Cường; và sáng lập SDNano, ông Trần Thái Sơn đã chia sẻ góc nhìn đa dạng về đổi mới sáng tạo mở tập đoàn. Nếu với Mitsui Chemicals là những bước tiến chậm rãi, cẩn trọng, tìm hiểu kỹ để vượt qua các rào cản và từng bước phát hiện ra sự đồng điệu với startup và sự phù hợp với hệ sinh thái của tập đoàn thì với OCB, đó là việc đặt khách hàng vào trọng tâm. Với những đổi mới sáng tạo xoay quanh khách hàng, OCB có thể hình thành các phương án hợp tác khác nhau với các startup công nghệ tài chính (fintech). Từ góc nhìn của một quỹ đầu tư Gobi Partners, ông Phan Nhật Minh cho rằng, phải tìm được sự phù hợp song hành về lợi ích. Các quỹ đầu tư không nhìn trước được sự hợp tác giữa startup và tập đoàn có thể phát sinh ra những mô hình kinh doanh mới, nhưng với vai trò là người rót vốn và điều phối mối quan hệ, việc hình thành các mô hình kinh doanh mới là hoàn toàn có thể. Từ trường hợp của PVOIL hợp tác thành công với một startup non trẻ là SDNano trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ mới là phụ gia nano graphene, PVOIL tin rằng với hệ sinh thái 140 sản phẩm khác nhau, công ty hoàn toàn rộng mở các cơ hội hợp tác với startup. SDNano cũng chia sẻ về những thách thức mình sẽ gặp phải trong quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ, vượt qua các rào cản kỹ thuật để làm việc và hợp tác với PVOIL.

Trong diễn văn chính của mình, “Chiến lược đầu tư mạo hiểm mới trong kỷ nguyên Chip War”, Đại diện của Gobi Partners đã chia sẻ một bức tranh rộng về đầu tư mạo hiểm trong kỷ nguyên của những cuộc chiến vô hình mới. Điều này đòi hỏi các quỹ có sự linh hoạt điều chỉnh.Là một quỹ có tuổi đời dài, nhiều kinh nghiệm và cũng là quỹ năng động nhất ở khu vực Châu Á Thái Bình dương trải dài danh mục đầu tư từ Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á, Gobi Partners cho rằng, “chip war” - cuộc chiến con chip cơ bản mang thông điệp rằng, cần phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn diện để phát triển startup và hình thành nên những chiến lược đầu tư mới phù hợp. Việt Nam, với lợi thế của những con người chăm chỉ, nguồn nhân lực chất lượng tốt, cần tập trung vào thế mạnh của mình để từ đó xác định chỗ đứng trong chuỗi giá trị, không chỉ chuỗi giá trị bán dẫn.

Trong phiên thảo luận thứ 2 – “Làm sao để chính phủ thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo thông qua liên kết các nguồn lực công-tư nhằm khuyến khích phát triển công nghệ quốc gia và văn hoá khởi nghiệp”, dưới sự điều phối của Ông Cao Vũ Nhân - Giám đốc điều hành CTCP Công nghệ chế tạo Kami. Phần thảo luận có sự tham gia của đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Ông Phạm Hồng Quất; ĐHQG HCM - Ông Huỳnh Thành Công; đại diện Gobi Partners - Ông Dan Chong; đại diện Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch - Ông Khương Anh Dũng.

Phiên thảo luận bắt đầu với sự chia sẻ về câu chuyện cụ thể từ Gobi Partners, cần phải có sự phối hợp công tư theo cách thức mới sáng tạo hơn (innovative PPP) để hỗ trợ được startup, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi sự đầu tư sâu.  Dưới sự điều phối của ông Cao Vũ Nhân - Giám đốc điều hành CTCP Công nghệ chế tạo Kami, các diễn giả chia sẻ góc nhìn của mình trong hệ sinh thái. Câu chuyện từ quỹ của Malaysia cho thấy cần rất nhiều nỗ lực từ cả phía chính quyền và các bên hỗ trợ trong hệ sinh thái.Trong khi các trường đại học đang tìm hướng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thì những doanh nghiệp như Bosch Vietnam luôn mong muốn tìm kiếm các phương án để có nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ hội hợp tác với các trường đại học.

Hai đại diện của Bộ Khoa học công nghệ là ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN; ông Lý Hoàng Tùng - Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ KH&CN chia sẻ góc nhìn về sự năng động cần có của khu vực nhà nước trong chủ động kêu gọi và hợp tác với tư nhân. Tại Việt Nam, ĐMST mở tập đoàn vẫn còn là một khái niệm mới, cần rất nhiều những thành phần tiên phong trong hệ sinh thái như các quỹ, các tập đoàn, các trường đại học. Bộ KH&CN kỳ vọng các tập đoàn, quỹ, doanh nghiệp chủ động đề xuất các phương án hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm tốt, mô hình tốt để Bộ KH&CN tham khảo và đề xuất những chiến lược mới trong thời gian tới. Bộ KH&CN cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế và thúc đẩy hợp tác.

 

Tác giả: 
KisStartup