Huấn luyện viên Khởi nghiệp

Gặp gỡ đội ngũ Coach và Mentor của KisStartup trong HACK COVY

KisStartup, trong vai trò là đối tác triển khai, sẽ đồng hành cùng 4 đội trong chương trình HackCovy trong 3 tháng tới để củng cố mô hình kinh doanh, đưa sản phẩm thử nghiệm lên một bước tiến mới.
Với đội ngũ huấn luyện viên khởi nghiệp - coach giàu kinh nghiệm; chuyên nghiệp hỗ trợ các startup từ giai đoạn ý tưởng/ sản phẩm mẫu thử nghiệm đơn giản, sang thành một sản phẩm thực sự trên thị trường, với một chương trình ươm tạo thiết kế nghiêm túc, bài bản và một mạng lưới hỗ trợ các startup có chất lượng gồm các cố vấn chuyên môn, các diễn giả, mentor nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết, chúng tôi tin tưởng rằng, việc đồng hành với AngelHack và UNDP để hỗ trợ các đội của KisStartup sẽ góp phần cùng các nhóm tạo ra những giải pháp hữu ích và thiết thực cho cuộc chiến chống COVID-19 và tạo ra những startup mang giá trị tác động lan tỏa đến cộng đồng.

Sau đây, từ phía KisStartup, đội ngũ Mentor, Coach của chúng tôi gồm:
(1) Coach Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Coach chính trong chương trình
(2) Coach Oksana Semenov - Coach Phát triển sản phẩm
(3) Coach Nguyễn Phi Hiệp - Coach Phát triển sản phẩm
(4) Mentor Đinh Xuân Hương - Vinno
(5) Mentor Nguyễn Diễm Anh - CSD
(6) Mentor Phạm Hằng Nga - Leafilms
(7) Mentor Phan Đình Tuấn Anh - Angel4Us

Cũng giống như trong các bức hình bạn nhìn bên dưới, mỗi coach, mỗi mentor đều có những màu sắc riêng. Chính những sự riêng biệt đó sẽ khiến cho hành trình 03 tháng sắp tới của KisStartup cùng 04 đội trở nên đa dạng, đầy màu sắc: có tươi sáng, có bầm dập nhưng chung quy tất cả lại đểu hướng tới mục tiêu: "Thúc đẩy dự án phát triển".

Chúng tôi xin chân thành cám ơn các diễn giả, mentor đã dành thời gian đóng góp cho các bạn như một phần nhỏ trong nỗ lực đẩy lùi COVID-19.

Dưới đây là Đội ngũ Coach và Mentor, Diễn giả từ phía KisStartup như một lời tri ân của chúng tôi muốn gửi tới các anh chị.


 

   

 

#KisStartup #AngelHack #UNDP
#incubation
#hackcovy
#chương_trình_ươm_tạo
#covid19
#sphoton #Vinno #CSD #leafilms #angel4us

Tại sao startup cần huấn luyện viên?

15/05/2019 07:05 - Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Ở Việt Nam, “huấn luyện viên khởi nghiệp” – startup coach vẫn còn là một khái niệm mới với khá nhiều startup. Để có một cái nhìn toàn diện về tại sao cần huấn luyện viên (HLV) khởi nghiệp, như thế nào là một người HLV tốt và làm thế nào để hưởng lợi nhiều nhất từ một chương trình huấn luyện, tôi muốn chia sẻ với các bạn góc nhìn của một người đã tham gia hoạt động này trong 4 năm qua.


Dave Bailey, người sáng lập công ty chuyên huấn luyện các CEO của các công ty gọi được vốn từ vòng series A trở lên. Nguồn: Dave Bailey.

Trước hết, huấn luyện khởi nghiệp là một công việc thuộc nhóm huấn luyện kinh doanh trong đó người HLV “cầm tay chỉ việc” rèn luyện thành công kỹ năng sử dụng công cụ cho doanh nghiệp/đội nhóm của doanh nghiệp nhằm rèn luyện kỹ năng cho đôi nhóm của doanh nghiệp và đặt câu hỏi giúp doanh nghiệp tự giải quyết vấn đề. Mối quan hệ giữa HLV và doanh nghiệp khởi nghiệp là mối quan hệ ngắn hạn, thông thường từ 3-6 tháng. 
Ở Việt Nam, có những tổ chức cung cấp dịch vụ huấn luyện cho doanh nghiệp, nhưng đội ngũ huấn luyện khởi nghiệp chuyên nghiệp thì còn rất ít. Từ những thành công và thất bại của cả người làm HLV và startup, và các dự án đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng có 3 lý do chính khởi nghiệp cần HLV.
1. Startup thường có quá nhiều vấn đề để giải quyết và quá nhiều việc phải làm cùng một lúc.
Việc là khởi nghiệp sáng tạo không bao giờ dễ dàng. Những ngợi ca trên báo chí, sự xuất hiện dày đặc trên truyền thông không giúp bạn giảm bớt áp lực khi phải đối diện với những vấn đề cụ thể trực tiếp của doanh nghiệp. Nếu dành thời gian để giải quyết những việc gấp gáp nhưng không quan trọng lắm thì sáng lập viên sẽ không còn thời gian cho những việc quan trọng dài hơi. Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) cũng thường gặp phải những giới hạn về nguồn lực và có xu hướng cần tiền mới giải quyết được. Việc xuất hiện HLV sẽ giúp KNST sắp xếp lại những vấn đề mang tính thứ tự ưu tiên để giải quyết với nguồn lực hạn chế một cách tối ưu.

Theo Dave Bailey, tại sao các nhà sáng lập cần Huấn luyện viên (Coach), không phải Tư vấn (Consultants), theo đó tóm lại gồm 10 điểm:
1. Hãy để các nhà sáng lập tự đưa ra chương trình làm việc của mình (nhấn mạnh sự chủ động)
2. Không ai có thể nhận được lời khuyên trước khi họ hiểu vấn đề (khác biệt giữa HLV và tư vấn)
3. Câu hỏi luôn có giá trị lớn hơn câu trả lời (thậm chí lời khuyên)
4. Bám sát các mục tiêu cụ thể 
5. Sự tò mò trái ngược với sự phán xét
6. Nghe lời nói của mình từ người khác
7. Chia sẻ kinh nghiệm, không hướng dẫn
8. Kiên nhẫn là điều cần thiết để huấn luyện hiệu quả
9. Cho bạn niềm tin khi cần 
10. Theo dõi là 90% giá trị

2. Vấn đề mà người sáng lập nghĩ là vấn đề bức xúc, khó khăn nhất chưa chắc đã phải là vấn đề quan trọng nhất.
HLV không biết câu trả lời cho các vấn đề nhưng họ biết hỏi những câu hỏi mang tính kỹ thuật cần thiết để tìm ra vấn đề mang tính cốt tử của doanh nghiệp đó, có ảnh hưởng đến sự sống còn và những rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn đầu trứng nước của doanh nghiệp. Ví dụ, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng vốn là vấn đề lớn nhất, nhưng nhờ những câu hỏi của HLV, đôi khi tự doanh nghiệp nhận ra rằng đó có thể là vấn đề thứ 2,3 trong thứ tự ưu tiên. 
3. Sự cô đơn và những thành quả được ghi nhận.
Khởi sự kinh doanh là chấp nhận sự cô đơn khi phải đối diện với các quyết định, với những tính toán ngắn hạn và dài hạn, ngay cả khi bạn có một đội nhóm tốt thì người lãnh đạo vẫn là người phải chấp nhận sự cô đơn ấy. Việc có một HLV đi cùng và người chủ dự án phải tham gia quá trình huấn luyện là đặc biệt quan trọng. Ngoài giá trị cùng nhau phân tích khó khăn thất bại, thì việc có một sự ghi nhận từ bên ngoài là nguồn động viên quan trọng, một sự ghi nhận có giá trị để chủ doanh nghiệp có những bước tiến mạnh mẽ hơn sau đó. 

Câu chuyện của người HLV và người được huấn luyện

Năm 2015, tôi cùng 11 anh chị em khác bước ra từ chương trình đào tạo tăng cường HLV đổi mới sáng tạo của dự án Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) với một loạt công cụ và kiến thức mới mẻ trong tay. Chúng tôi được đưa thẳng vào một doanh nghiệp khởi nghiệp để…huấn luyện. Doanh nghiệp vừa nhận được một khoản vốn mồi với tham vọng trong 6 tháng đạt mục tiêu chứng minh tiềm năng xuất khẩu và kiểm chứng được mô hình kinh doanh bền vững. 6 tháng trải nghiệm với EZCloud với tôi thực sự quý giá để nhận ra rằng tại sao một doanh nghiệp khởi nghiệp mặc dù rất tiềm năng đội ngũ rất tốt lại rất cần huấn luyện viên – một sự trợ giúp kỹ thuật quan trọng cho kiểm chứng mô hình kinh doanh và sự phát triển của dự án. Tuy nhiên, quá trình huấn luyện không hề diễn ra suôn sẻ mà luôn có những thách thức với cả hai phía nếu muốn hoàn thành tốt công việc của mình. Như anh Đặng Thành Trung, giám đốc sáng tạo của EZCloud chia sẻ, có rất nhiều khó khăn phải trải qua trong suốt quá trình huấn luyện để nhận ra rằng, rất may mắn đã kiên nhẫn đi theo suốt thời gian đó. Những khó khăn mà anh Trung đề cập ở đây không nằm ngoài những khó khăn mà chính cá nhân chúng tôi đã trải qua trong vai trò HLV cho những doanh nghiệp sau này: 
1. Vượt qua khỏi sự khó chịu khi có một người ngoài bước vào doanh nghiệp:
Vốn không phải là người đóng góp tiền cho doanh nghiệp, thậm chí dịch vụ huấn luyện là dịch vụ trả phí, rất dễ hiểu khi EZCloud (vốn được dự án IPP2 tài trợ để sử dụng HLV) hay một doanh nghiệp bất kỳ nào phải trả phí để sử dụng dịch vụ này là sự chống đối lại vai trò của người HLV. Thực tế, không ít doanh nghiệp đặt ra câu hỏi tại sao lại phải đưa một người HLV vào chỉ để hỏi và giám sát doanh nghiệp? Hơn thế nữa, một doanh nghiệp khởi nghiệp, thời gian là vô cùng quý giá, vậy mà luôn phải dành một khoảng thời gian chỉ để trả lời câu hỏi của một người không liên quan gì. Sự khó chịu này sẽ không biến mất sau tối thiểu 3 buổi đầu tiên vì những câu hỏi của HLV luôn mang tính căn bản, bắt chủ doanh nghiệp phải lật lại rất nhiều vấn đề mà thường ngày họ chấp nhận như một lẽ tự nhiên. Việc phải lật lại và nghi ngờ cả những gì mình đang làm là một cảm giác rất khó chịu. Tuy nhiên, thông thường, sau buổi thứ 3, sẽ có những thay đổi và chuyển biến, hiệu ứng từ những câu hỏi 


EZ Cloud (bên trái) đang trao đổi với một huấn luyện viên của chương trình IPP. 

2. Vượt qua nỗi sợ bị giám sát.
Cảm giác bị ai đó giám sát những mục tiêu đề ra không phải dễ dàng. Khi đối diện với chính mình cho những việc mình không thực hiện được và trả lời HLV của mình vào buổi gặp tiếp theo, đó là một công việc khó khăn. Bạn làm chủ của doanh nghiệp bạn, tại sao bạn cần ai đó giám sát? Câu hỏi đó rất thường gặp, nhưng hãy tin tôi, ở giai đoạn đầu, sự tự do của người làm chủ doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khiến bạn làm việc 20 tiếng mỗi ngày, nhưng cũng không có gì đảm bảo bạn sẽ đạt mục tiêu đề ra bởi lẽ không ai tạo ra áp lực cho bạn. Sự giám sát chính là giá trị quan trọng mà huấn luyện mang lại. 
3. Vượt qua cảm giác ngại phải cam kết.
Hằng tuần, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện những gì mình đề ra. Mặc dù không có hình phạt nào cho việc không thực hiện được, nhưng rõ ràng, việc phải lý giải những nguyên nhân mình không thực hiện được sau một khoảng thời gian đủ dài (thông thường là 6 tháng) thực sự sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy về chấp nhận thất bại và học từ thất bại. Nếu thói quen thực hiện cam kết và tìm nguyên nhân cho thất bại và phòng ngừa rủi ro được thiết lập tại doanh nghiệp, đây sẽ là một thay đổi rất lớn cho bước chuyển từ văn hóa của một nhóm dự án khởi nghiệp thành một doanh nghiệp trưởng thành thực sự. 
Trên thực tế, ngay tại các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp trên thế giới, huấn luyện là một hình thức phổ biến nhằm gia tăng hiệu suất công việc. Với khởi nghiệp, việc sử dụng huấn luyện viên mang tính đặc thù. Việc lựa chọn huấn luyện viên tốt cũng là một khó khăn không nhỏ. Nếu được phép cho vài lời khuyên với các chủ doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi xin phép đưa ra 3 lời khuyên sau đây:
1. Bên cạnh một cố vấn (mentor)- người sẽ thúc đẩy sự phát triển cá nhân của bạn, hãy tìm một HLV khởi nghiệp để có sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
2. Hãy đưa những người ra quyết định quan trọng trong doanh nghiệp vào quá trình huấn luyện, nó sẽ giúp tạo ra tiếng nói chung cho cả đội nhóm và kế hoạch hành động hiệu quả cả nhóm hướng đến.
3. Thời gian huấn luyện phải đủ dài (tối thiểu 3 tháng tăng cường, lý tưởng nhất là 6 tháng) để đảm bảo hiệu quả của huấn luyện. Mọi sự thay đổi không diễn ra qua một đêm, nó cần thời gian, đặc biệt là những thay đổi về tư duy.
Làm thế nào để tìm được HLV tốt, để thay cho lời kết, tôi xin mượn lời của Dave Bailey, 10 năm làm HLV cho các khởi nghiệp tại các môi trường khác nhau, người từng cho lời khuyên rằng, khởi nghiệp cần HLV hơn là người tư vấn. Đúc rút từ trải nghiệm của chính mình, Dave tổng kết: “Tìm một huấn luyện viên giỏi là rất khó khăn. Bạn muốn ai đó có mối liên hệ với bạn, người đã trải qua những gì bạn đang trải qua. Một người có thể đặt cái tôi của họ sang một bên và quan tâm đến bạn. Một người biết kết nối bạn với những người tài năng nhất. Bạn sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể từ huấn luyện viên của mình, cả về thời gian và năng lượng, cảm xúc, vì vậy, phải bù đắp cho họ một cách phù hợp. Hãy nhớ rằng có những người giỏi nhất xung quanh có ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của bạn”. □

Tài liệu tham khảo: Why Founders Need Coaches, Not Consultants. Dave Bailey. Medium. 201

CÁC LOẠI HÌNH HUẤN LUYỆN
Performance coaching:
Huấn luyện hiệu suất công việc Skills coaching
Huấn luyện kỹ năng Career Coaching
Huấn luyện sự nghiệp Personal or life coaching
Huấn luyện cá nhân Business coaching
Huấn luyện kinh doanh Executive coaching
Huấn luyện quản lý Team facilitation
Điều phối nhóm Work shadowing
Giám sát công việc

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh - Sáng lập & CEO KisStartup

Tâm sự khởi nghiệp cuối năm

Cafe với KisStartupvới 4 startup + 1 đơn vị truyền thông + 2 đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong một ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi nhận thấy một vài điểm thú vị như một lời tâm sự cuối năm với những người đang khởi nghiệp, truyền thông cũng như hỗ trợ khởi nghiệp trong năm 2018.

Với khởi nghiệp:

  • Hãy xem lại toàn bộ mô hình kinh doanh của bạn để tìm ra những nhân tố cần cải thiện, những cơ hội mới và đặc biệt là xem kỹ phần cấu trúc chi phí và doanh thu. Nó sẽ nói lên nhiều điều giúp bạn. Nếu bạn cần gợi nhắc một chút, hãy xem kỹ bài viết này (Bài viết về mô hình kinh doanh DNXH nhưng hoàn toàn sử dụng cho mô hình kinh doanh thông thường)
  • Trước khi tìm đến nhà đầu tư, hãy nhớ rằng bạn có những nguồn mà bạn chưa nghĩ đến hoặc chưa khai thác triệt để:
    • Doanh thu từ khách hàng. Có thể bạn cho rằng, tôi đang nói vấn đề quả trứng con gà, muốn tăng doanh thu thì cần có tiền, muốn có tiền thì tìm đến đầu tư, giờ lại phải tăng từ doanh thu? Thực tế, bạn có thể phá vỡ cách suy nghĩ thông thường bằng câu hỏi, liệu có mô hình nào giúp mình có tiền sớm hơn từ khách hàng để giải quyết nhu cầu dòng tiền của mình không? Khách hàng luôn là một nguồn ổn định và an toàn nhất. Nếu bạn còn nghi ngờ, năm nay hãy dành thời gian đọc cuốn sách này: Customer Funded Business. Đừng quên rằng, sự sống còn của startup nằm ở DOANH THU
    • Nguồn vốn vay hỗ trợ ưu đãi: Có thể bạn chưa biết hết những nguồn đang hỗ trợ mình hoặc mình có thể được hưởng lợi. Hãy rà soát tất cả những cơ hội bằng một vài câu hỏi sau đây: Doanh nghiệp bạn có đồng sáng lập là nữ không? Bạn có hoạt động trong lĩnh vực đang được ưu đãi không? Bạn có biết đến những chương trình hoặc các quỹ đang hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ không? Bạn có đang đặt đăng ký kinh doanh ở những vùng có ưu đãi đặc biệt không? Bạn có thể tham gia những chương trình hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước không?
  • Hãy rà soát lại kênh marketing của bạn. Đừng cho rằng mình đã làm nhiều đủ. Câu chuyện thành công của startup cuối năm 2017 chúng tôi vừa nhận được từ dịch vụ phát triển nội dung cho thấy, hãy đầu tư mạnh vào nội dung, thành quả có thể đến với bạn rất nhanh và nhanh hơn bạn tưởng. Hãy chuẩn bị khi cơ hội đến
  • Hãy nói giỏi tiếng Anh: Dù có hay không hãy đặt ra mục tiêu nói giỏi tiếng Anh trong năm 2018. Cơ hội của bạn nằm ở đó. Dù đó là cuộc gặp gỡ với đối tác nước ngoài hay giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Anh. Cơ hội sẽ không ở quá xa những gì bạn nghĩ. Hãy chuẩn bị thật tốt.

Mentoring-2

Ảnh: Hoạt động mentoring – cố vấn khởi nghiệp tại KisStartup

  • Hãy tìm cho mình một cố vấn khởi nghiệp: Sẽ tuyệt vời nếu bạn có một người cố vấn trong năm nay. Đây có lẽ sẽ là thay đổi giá trị nhất trong năm của bạn. Có một người đồng hành, chia sẻ và lắng nghe, cho bạn một sự giám sát vừa đủ không ngột ngạt, không có đánh giá mà chỉ có đồng cảm và kinh nghiệm. Hãy tự thưởng cho mình món quà tuyệt vời theo cách của bạn.

Với truyền thông: hãy khai thác nhiều hơn khía cạnh sáng tạo ra giá trị mới của startup thay vì loanh quanh với câu hỏi Startup hay SME khác và giống nhau ở chỗ nào? Giống hay khác là cách bạn nghĩ, còn trên thực tế, chấp nhận cuộc chơi kinh doanh là bạn đã tin rằng mình phải sáng tạo ra giá trị mới. Có nghĩa là dù bạn là startup, doanh nghiệp quy mô nào, bạn cũng phải trăn trở để đi tìm kiếm những vấn đề và tạo ra những giá trị mới mẻ. Do đó, nếu xét ở khía cạnh này, vấn đề chỉ là bạn tạo ra nhiều hay ít giá trị mà thôi.

Với những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp: Dù bạn và tôi chúng ta theo đuổi mục tiêu hay tầm nhìn nào, hãy thực sự củng cố mô hình kinh doanh của bạn với những giá trị rõ ràng cho cả bạn và các startup trong năm nay. Thị trường năm 2018 và cả những năm sau nữa sẽ có sự thanh lọc khắt khe hơn với những giá trị mà chúng ta mang lại. Hãy định hướng nó theo dịch vụ phát triển kinh doanh để nhìn rõ mình hơn trong bức tranh tổng thể, từ đó tìm ra những cơ hội hợp tác mới và phát triển mạnh mẽ hơn.

Thân mến,

Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup

Bình luận - Sự kiệnKIẾN THỨC CHO STARTUPTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Khởi nghiệp kinh doanh trong sinh viên: Cảnh báo về những cơn hoang tưởng (Kỳ 1)

Việc khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên là tốt nhưng khuyến khích như thế nào thì dường như các cuộc thi khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam lại chưa hiểu được.

Success2Con số thất nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, Quý III, 2016 của Việt Nam là 1,16 triệu người, tăng thêm 40.000 người chỉ trong vòng ba tháng. Điều đáng nói là 10% số thất nghiệp nằm trong nhóm tri thức được đào tạo chuyên môn từ cao đẳng trở lên. […] Điều này đồng nghĩa với việc tại thị trường nội địa, người lao động Việt ngày nay đứng trước áp lực phải bổ sung và hoàn thiện các kỹ năng mềm.1

Những con số đáng báo động nói trên đòi hỏi chúng ta nhìn thẳng vào câu chuyện nguồn nhân lực trẻ, sự yếu kém về kỹ năng mềm đang đẩy người lao động được đào tạo có chuyên môn ở Việt Nam vào một cơn khủng hoảng mà bài báo trên gọi là “thất nghiệp xanh”- thất nghiệp trong kỷ nguyên số. Là người làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ năng lực cho người khởi sự kinh doanh, tôi không khỏi đặt câu hỏi, vậy khởi sự kinh doanh trong sinh viên sẽ góp gì vào câu chuyện gia tăng năng lực cạnh tranh của nguồn lực trẻ? Nếu với những kỹ năng yếu kém như vậy, không thể tìm được việc làm trên sân nhà, phải chăng khởi sự kinh doanh chỉ là một sự lãng phí thời gian, tài nguyên và cơ hội? Những phong trào khởi nghiệp ngành ngành, hội hội, trường trường kia liệu đang đi đến đâu?

Success2Cuộc gặp với một chàng trai bước ra từ một cuộc thi khởi nghiệp quy mô không hề nhỏ gần đây cũng khiến tôi không ít trăn trở về mục tiêu của những cuộc thi này. Một sinh viên mới tốt nghiệp đại học gầy gò với niềm tự hào rằng, em tràn đầy ý tưởng để khởi nghiệp. Tôi hỏi, sao em không đi làm mà lại chọn khởi sự kinh doanh? Bạn ấy rất tự tin: “em có nhiều ý tưởng hay”. Em đến gặp tôi, theo em, là vì giờ chỉ cần tôi kết nối với nhà đầu tư là ổn. Việc lọt vào vòng trong của cuộc thi khiến em tự tin rằng, chắc chắn có nhà đầu tư và ý tưởng sẽ được thực thi nhanh chóng. Một tiếng đồng hồ chúng tôi ngồi nói chuyện, tôi không cố khiến em từ bỏ ý định khởi nghiệp, nhưng tôi thấy một tương lai mịt mùng của một chàng thanh niên kiếm 2,5 triệu đồng một tháng giữa đất Hà Nội đắt đỏ, mơ giấc mơ được đầu tư triệu đô và một mớ ý tưởng bùng nhùng nhưng chưa biết bán hàng cho ai, bán cái gì, bán như thế nào mà chỉ mong muốn khởi nghiệp với những ý tưởng triệu đô…

Trong buổi đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong lễ ra mắt Chương trình Thanh niên khởi nghiệp hồi tháng 10, một bạn trẻ học ngành chính trị đứng lên đặt câu hỏi: “Xin thưa Thủ tướng, cháu học ngành chính trị, giờ ai ai cũng nói đến khởi nghiệp, cháu không biết khởi nghiệp trong lĩnh vực của chúng cháu thì khởi nghiệp gì? Và nên bắt đầu như thế nào?”. Người trả lời câu hỏi là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Đặng Tiến Đông và ông đã có cách tiếp cận chỉ dẫn không thể cụ thể hơn đại ý rằng: Hãy suy rộng chuyên ngành học chính trị của bạn, đó là ngành cần sự thuyết phục, cần truyền thông, mà với xã hội đó là một nhu cầu, vậy hãy bắt đầu từ đó.
Có điều, ngoài hàng trăm sinh viên ngồi trong hội trường, biết bao người có câu hỏi rất ngây thơ và chân thật như vậy nhưng không tìm được câu trả lời thích đáng? Nó phản ánh một thực tế, một khi khuyến khích khởi sự kinh doanh không được làm một cách khoa học và nghiêm túc, nó sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường, những hoang mang và ảo tưởng.
Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của tác giả vì tôi nhận thấy có một trách nhiệm phải nói ra tiếng nói của mình và rất mong đón nhận nhiều ý kiến để trao đổi sâu hơn về vấn đề này. Bài viết sẽ phân tích những sai lầm đang diễn ra ở các cuộc thi ý tưởng kinh doanh hiện tại – những “cỗ máy” chính sản sinh phong trào khởi nghiệp ở sinh viên.

Các giai đoạn của một doanh nghiệp khởi nghiệp

Để làm cơ sở cho bài viết của mình, tôi xin đưa ra các giai đoạn của một doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp dựa trên cách phân chia của Founder Institue mà tôi có cơ hội giới thiệu với các bạn trong bài về Hệ sinh thái khởi nghiệp:
Giai đoạn 1: Ý tưởng, gồm ba bước chính: (1) Truyền cảm hứng; (2) Đào tạo;(3) Thẩm định ý tưởng và thành lập đội nhóm
Giai đoạn 2: Tung sản phẩm ra thị trường: (1) Bắt đầu; (2) Phát triển; (3) Tung sản phẩm chính thức
Giai đoạn 3: Tăng trưởng: (1) Sự ghi nhận của thị trường; (2) Tìm nguồn vốn; (3) Tăng trưởng

Những sai lầm thường gặp của các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên

Dựa trên ba giai đoạn lớn của một doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp, có thể thấy không ít các cuộc thi, phong trào, chương trình khởi nghiệp không biết mình hỗ trợ giai đoạn nào, cho cái gì của quá trình khởi nghiệp. Họ đang mắc phải những sai lầm sau đây:
Thiếu triết lý: Để đáp ứng tính phong trào của việc khuyến khích khởi nghiệp, các cuộc thi hiện nay phần lớn thiếu đi triết lý cơ bản, không thể trả lời chính xác là mình đang khuyến khích điều gì, ví dụ: khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích tính thực tiễn hay khuyến khích khả năng vươn ra toàn cầu v..v. Những triết lý chung chung, tham lam ôm đồm đẩy các cuộc thi vào tình trạng na ná nhau nhắm đến mọi tiêu chí hoàn hảo của một cuộc thi tầm quốc gia, quốc tế kiểu như cuộc thi ý tưởng kinh doanh với nhiều mỹ từ khác nhau nhưng không nói được triết lý đằng sau là gì.
Thiếu đối tượng rõ ràng: Phần lớn các cuộc thi khi đọc kỹ nội dung thì chỉ thấy khuyến khích ý tưởng tốt, dành cho sinh viên độ tuổi từ 18-25 hoặc người trẻ v..v. nhưng khi đặt lại câu hỏi cho các ban tổ chức, thế nào là một ý tưởng tốt thì có lẽ khó tìm được câu trả lời thích đáng.
Nếu chiểu theo các giai đoạn phát triển như một gợi ý cách tiếp cận, thì các cuộc thi khuyến khích người tham gia ở mọi giai đoạn, mọi cấp độ khởi nghiệp dẫn đến sự hoang mang trong tổ chức, tiêu chí chồng chéo. Nếu là cuộc thi ý tưởng ở giai đoạn Ideation (lên ý tưởng) thì không thể sau ba tháng đã dạy các em “pitching” (thuyết phục gọi vốn) với nhà đầu tư.
Đó là còn chưa nói đến việc đối tượng tham gia rất đa dạng, ở các trường, nhóm ngành khác nhau, không được đào tạo cách tư duy và các công cụ khởi nghiệp – vốn là một lỗ hổng quá lớn trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Việc ôm đồm, thiếu cụ thể trong tiêu chí xét giải và cách tiếp cận của các cuộc thi lại càng khiến người tham gia hoang mang.
Thiếu mục tiêu cụ thể: Khuyến khích khởi sự kinh doanh thực chất là chúng ta khuyến khích con người phát triển khả năng, theo đuổi đam mê từ đó làm giàu cho xã hội. Tiếc thay, cả việc truyền thông lẫn giảng dạy đều không làm tốt việc đó. Nhiều cuộc thi, chương trình khởi nghiệp hô hào nhưng không đặt bài toán, khuyến khích người tham gia tìm và xử lý những vấn đề cụ thể của xã hội, thông điệp đưa ra là cứ khởi nghiệp đi để làm giàu là một thông điệp sai lầm và cho ra những sản phẩm đầu ra kém chất lượng là điều dễ hiểu. Các cuộc thi trong những lĩnh vực cụ thể đang thiếu và yếu, trong khi những cuộc thi chung chung thì lại quá nhiều.
Cách thức triển khai dập khuôn, nhàm chán và kém hiệu quả: Do thiếu tầm nhìn, triết lý và cách đặt vấn đề, format các cuộc thi gần như giống nhau y hệt, có khác chăng là thời lượng, trị giá giải thưởng. Việc đặt ra những giải thưởng trị giá lớn những mong có ý tưởng tốt là một sai lầm khác của các cuộc thi hiện nay. Không nói đâu xa, cuộc thi danh giá SXSWedu Launch dành cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) của Mỹ, mà chiến thắng thuộc về Elsa Speak- một ứng dụng luyện nói tiếng Anh của hai đồng sáng lập người Việt, giải thưởng chỉ có 2.500 USD. Không phải là trị giá giải thưởng nói lên uy tín của nó, mà chính là uy tín của cuộc thi với 1.200 ý tưởng trên khắp thế giới tham gia, một ban giám khảo công tâm nghiêm túc và quá trình sàng lọc khắt khe để đến được giải nhất mới là niềm tự hào của người tham gia.
Format giống hệt nhau (Khởi đầu bao giờ cũng là chấm ý tưởng sơ khai; Đào tạo viết kế hoạch kinh doanh; Huấn luyện và hoặc cố vấn; Thuyết trình với nhà đầu tư) thể hiện sự cẩu thả trong thiết kế chương trình và cũng thể hiện sự yếu kém trong chuyên môn nghiệp vụ. Nếu nhìn lại các bước dẫn đến sự sẵn sàng đầu tư của khởi nghiệp, vô hình trung, chúng ta dạy các em nói thứ ngôn ngữ khác với nhà đầu tư và thị trường; khuyến khích một sự dễ dãi trong kinh doanh. Thông điệp về kinh doanh dễ dãi với sự đốt cháy giai đoạn đang dần giết chết thái độ nghiêm túc cần có trong kinh doanh và sự hoang tưởng không nên có trong những người trẻ.

Kỳ 2: Những hệ lụy của phong trào khởi nghiệp và hướng cải thiện
———
1 Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư- Thất nghiệp Xanh. Đoạn “Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng dự báo sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu năm 2020 vào khoảng 11 triệu người, tức số người thất nghiệp mang quốc tịch Việt Nam đang chiếm 10% lực lượng lao động thất nghiệp toàn cầu.” đăng trên báo in là không chính xác

Bình luận - Sự kiệnTư duy khởi nghiệpTags 

Tác giả: 
KisStartup

Trainer (người đào tạo) – Coach (Huấn luyện viên) – Mentor (Cố vấn) – Consultant (Tư vấn) – Investor (Nhà đầu tư): Họ là ai?

 

… “Đừng lựa chọn một ý tưởng nào đó chỉ vì nó đang là mốt, mà hãy chọn một thứ mà bản thân bạn thực sự quan tâm và sẵn sàng mất ngủ vì nó. Hãy tìm kiếm một người mentor thật giỏi, người có thể sẵn sàng bật dậy lúc nửa đêm vì bạn, và sẵn sàng hỗ trợ bạn tới cùng trong vòng 5-10 năm tới”- Văn Đinh Hồng Vũ- Sáng lập Elsa Speak# *

Khi sự thành công của rất nhiều nhà khởi nghiệp sáng tạo đang truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, và đứng đằng sau sự thành công đó là rất nhiều con người như cố vấn khởi nghiệp, các huấn luyện viên, những người đào tạo khởi nghiệp v..v, cũng là lúc, chúng ta cùng nhau nhìn nhận lại và phân biệt vai trò của những nhân vật này, và chúng ta nên kỳ vọng gì ở họ? Bởi lẽ, nếu hiểu nhầm và đặt nhầm kỳ vọng vào những nhóm khác nhau, có thể sẽ dẫn đến sự phủ nhận sạch trơn những nỗ lực và đóng góp của họ, hoặc không biết khai thác các nguồn lực để hệ sinh thái khởi nghiệp ngày một mạnh lên.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các vai trò của người đào tạo (trainer), huấn luyện viên (coach), cố vấn (mentor), tư vấn (consultant), nhà đầu tư (investor), đặc điểm mối quan hệ của họ với chủ doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp và cùng nhau giải đáp một số câu hỏi thường gặp về chủ đề này.

Trainer – người đào tạo: Là người hỗ trợ ngắn hạn tùy theo chương trình, nội dung đào tạo, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các chủ dự án/đội nhóm khởi nghiệp. Người đào tạo có thể đào tạo: (1) Kiến thức (có thể về một ngành cụ thể như du lịch, hoặc một mảng trong quản trị doanh nghiệp như marketing, nhân sự, tài chính, kế toán, sở hữu trí tuệ v..v hoặc phương pháp, ví dụ khởi nghiệp tinh gọn); (2) Kỹ năng (pitching – gặp gỡ nhà đầu tư; thuyết trình; bán hàng v.v). Là một người đào tạo, đương nhiên những kỹ năng cơ bản cần có là khả năng truyền đạt, kỹ năng giảng dạy. Thông thường, đào tạo là một dịch vụ có thu phí. Các khóa học miễn phí cũng có thể diễn ra dưới sự tài trợ của các tổ chức hoặc sự tự nguyện của người dạy. Bạn nên kỳ vọng vào kiến thức có được khi làm việc với người đào tạo, thay vì những lời khuyên hoặc sự tư vấn.

Coach – Huấn luyên viên: Là người hỗ trợ ngắn hạn, thường kéo dài 3-6 tháng với các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn ươm mầm và tăng tốc. Bạn có thể thấy họ trong các vườn ươm hoặc các công ty cung cấp dịch vụ huấn luyện chuyên nghiệp. Người làm huấn luyện viên (HLV) cũng giống như người HLV của đội bóng, cầm tay chỉ việc và hướng dẫn đội nhóm khởi nghiệp cho một mục tiêu/công việc nhất định.

Ví dụ: Xác định được chân dung khách hàng của doanh nghiệp. Để làm việc này, người HLV có thể đặt ra các câu hỏi nhằm giúp nhóm khởi nghiệp xác định rõ hơn mình bán hàng cho ai? Đặc điểm của họ thế nào? Vấn đề của họ ra sao? V..v. Người HLV không trả lời giúp bạn các câu đó, mà với kinh nghiệm, kỹ năng của mình, họ sẽ giúp bạn nhận ra và tự trả lời từ đó tự giải quyết vấn đề của mình. Họ cũng đóng vai trò như một người kèm cặp bạn trong một công việc cụ thể. Một người HLV không can thiệp sâu vào lĩnh vực kinh doanh của startup mà chỉ đưa ra các nguyên lý chung để những người khởi nghiệp cân nhắc, do đó, họ có thể trở thành HLV cho các dự án khởi nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Điểm mạnh nhất của họ chính là kỹ năng đặt câu hỏi, giúp bạn phát hiện vấn đề và sử dụng các công cụ nhằm hỗ trợ bạn giải quyết những vấn đề đó. Họ cũng sẽ huấn luyện bạn sử dụng các công cụ hoặc thực hành một công việc cho đến khi thuần thục. Sau đó bạn có thể không cần đến họ nữa. Nói một cách đơn giản, HLV là người đồng hành với bạn trong một thời gian ngắn, là người cầm tay chỉ việc và đi sát với thực tế doanh nghiệp trong một thời gian. Dù bạn đang khởi nghiệp hay phát triển một dự án mới trên tinh thần khởi nghiệp, việc có một HLV giống như có một người đứng từ bên ngoài nhìn vấn đề của bạn một cách khách quan. Họ thậm chí phải xin phép trước khi cho bạn lời khuyên, và sẽ không tư vấn gì cho bạn, nhưng họ sẽ là người đồng hành và giúp bạn tự giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Coaching là dịch vụ có thu phí.

Mentor- Cố vấn khởi nghiệp: Là một người bạn và hơn thế. Họ là những người có trải nghiệm nhiều hơn bạn, quan tâm đến sự phát triển cá nhân của bạn trong kinh doanh và cuộc sống. Mentor đầu tiên phải là người bạn thực sự mong muốn nói chuyện, để bạn là chính mình và chia sẻ chân thành. Bạn có thể tìm kiếm mentor qua các buổi gặp gỡ networking và cũng có thể đến các chương trình cố vấn khởi nghiệp để tìm và kết nối.

Những cặp mentor-mentee nổi tiếng như Steve Jobs – Mark Zuckerberg hay Warren Buffett – Bill Gates đều là những ví dụ về mối quan hệ mentorship bền vững, lâu dài và phi lợi nhuận. Trong quan hệ mentoring, cả hai đều coi trọng mối quan hệ, học hỏi lẫn nhau và chia sẻ. Người mentor có lúc là người dẫn đường, kể cho mentee những trải nghiệm của mình và có thể có những gợi ý, lời khuyên nhỏ. Mentee là người đặt ra những mục tiêu cho buổi nói chuyện để đạt đến cái đích của mình. Các doanh nhân thành công coi việc trở thành mentor là cơ hội lắng nghe thế hệ trẻ thay vì ban phát lời khuyên. Cũng chính vì mối quan hệ đặc biệt này, sự kết nối giữa các thế hệ doanh nhân, sự chia sẻ và hợp tác dẫn đến việc mentoring trở thành một văn hóa.

Consultant – Tư vấn: Là người cung cấp dịch vụ chuyên sâu, đưa ra những gợi ý dựa trên kết quả nghiên cứu và phân tích sâu một vấn đề của doanh nghiệp. Người làm tư vấn bắt buộc có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, có hiểu biết về doanh nghiệp và đặc thù của ngành một cách sâu sắc. Tư vấn sẽ giúp giải quyết một vấn đề, hoặc đưa ra những lựa chọn về giải pháp. Ra quyết định cuối cùng phụ thuộc vào người chủ doanh nghiệp. Tư vấn cũng có thể tiến hành những đào tạo hướng dẫn về chiến lược, quản trị và cùng bạn lập kế hoạch cần thiết để đạt được mục tiêu. Tùy giai đoạn mà doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ cần những tư vấn khác nhau ví dụ tư vấn kế toán, thuế, sở hữu trí tuệ hoặc tư vấn đầu tư v.v. Dịch vụ tư vấn là dịch vụ tính phí.

Investor- Nhà đầu tư: Nhà đầu tư cấp vốn để giúp phát triển startup. Khi đầu tư vào startup, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đổi cổ phần lấy sự chia sẻ mạng lưới quan hệ kinh doanh của họ, hoặc kiến thức chuyên môn/bí quyết kinh doanh nào đó.Vốn trong ngữ cảnh đầu tư phải được hiểu bao gồm các lựa chọn sau: (1) Tiền mặt (2)Thời gian (3) Nguồn lực (mối quan hệ, hỗ trợ chuyên môn,…)1

Quan hệ với nhà đầu tư: trước tiên đó là quan hệ kinh doanh vì lợi ích, cả hai đều cùng mong đến sự phát triển của doanh nghiệp để sự đầu tư của mình sinh ra hiệu quả. Tuy vậy, mối quan hệ này như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào chính hiểu biết của cả hai bên. Đây hoàn toàn không phải là quan hệ bề trên kẻ dưới.2

Một nhà đầu tư có thể trở thành mentor cho chính startup mà mình đầu tư. Hoặc trong một số trường hợp có sự hoán đổi từ mentor sang thành investor. Tuy vậy, tỷ lệ này không nhiều, chỉ chiếm khoảng 6%. Chính vì vậy, khi chọn mentor, cũng không nên kỳ vọng họ sẽ trở thành nhà đầu tư cho bạn và ngược lại, không phải nhà đầu tư nào cũng sẽ mentor cho startup của mình.

Câu hỏi đặt ra là một người có thể đóng nhiều vai trò không? Hoàn toàn có thể được. Tuy vậy, trong từng hoàn cảnh khác nhau, bạn hãy xác định vai trò chính của họ để từ đó có những kỳ vọng đúng đắn về hiệu quả làm việc.
——-
* Startup giáo dục của 2 cô gái Việt vào vòng chung kết cuộc thi có tỷ lệ “1 chọi 400”. http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/startup-giao-duc-cua-2-co-gai-viet-vao-vong-chung-ket-cuoc-thi-co-ty-le-1-choi-400-3302391/
1 Nguồn: Hiểu Sai Vai Trò — Hiểu Sai Kỳ Vọng. Phan Đình Tuấn Anh. https://medium.com/@tuananh_phan/hi%E1%BB%83u-sai-vai-tr%C3%B2-hi%E1%BB%83u-sai-k%E1%BB%B3-v%E1%BB%8Dng-5a2a171e0f82
2 http://mobile.thesaigontimes.vn/tinbaichitiet/158321/

Tác giả: Nguyễn Đặng Tuấn Minh

Nguồn: Tia Sáng

Tác giả: 
Nguyễn Đặng Tuấn Minh – Quản lý & Đồng sáng lập KisStartup